Hesman, font chữ comic và tốc độ làm việc đỉnh cao của họa sĩ Hùng Lân

Đối với thế hệ họa sĩ trẻ, tác giả "Dũng sĩ Hesman" là tấm gương về tinh thần lao động miệt mài. Suốt sự nghiệp của mình, ông đã để lại những di sản giá trị vượt thời gian.

Nguyễn Khánh Dương là người sáng lập Công ty Comicola, đơn vị hiện khai thác bản quyền bộ truyện Dũng sĩ Hesman và tác phẩm ngoại truyện Hesman: Chiến binh thiết giáp. Anh thuộc thế hệ độc giả đã lớn lên cùng Hesman và về sau này làm việc cùng họa sĩ Hùng Lân khi bước chân vào con đường sáng tác truyện tranh. Tri thức - Znews trân trọng giới thiệu bài viết tri ân họa sĩ Hùng Lân của anh.
Cuối chiều 9/5, khi những thông tin đầu tiên về việc họa sĩ Hùng Lân qua đời xuất hiện trên mạng xã hội, tôi vô cùng bàng hoàng. Chỉ mới một, hai ngày trước, hai chú cháu còn trao đổi với nhau về những kế hoạch sắp tới, cũng như lên kế hoạch gia hạn các bản quyền tác phẩm đã hết hạn. Tôi lo lắng bấm máy gọi người họa sĩ già, nhưng phía bên kia không có người nghe. Rồi tin về chú ập đến. Bỗng chốc, những kỷ niệm hơn 30 năm qua hiện về...
159 tập Dũng sĩ Hesman là người bạn tuổi thơ của tôi. Thời điểm Hesman mới ra mắt, tôi chỉ là thằng bé 7-8 tuổi, xin bà nội 3.000 đồng và đi bộ ra cửa hàng sách gần nhà để mua truyện tranh. Nhà tôi hồi năm 1992, ở địa chỉ 66 Bà Triệu, cách trụ sở Nhà xuất bản Kim Đồng khoảng vài bước chân. Tôi vẫn nhớ cảnh tắc đường, chen chúc mỗi khi truyện tranh mới ra mắt.
Cùng Doraemon, Dragon Balls (7 viên ngọc rồng) của Nhà xuất bản Kim Đồng, Dũng sĩ Hesman là tác phẩm đã tạo nên tuổi thơ của tôi, và đưa tôi đến với con đường sản xuất truyện tranh.
Tôi không nhớ lần đầu tiên liên lạc với chú Hùng Lân là khi nào, nhưng tôi tin là đã từ rất lâu rồi, từ khi tôi và người bạn Thành Phong còn đang ở độ tuổi sinh viên, chật vật đưa những tác phẩm đầu tay đến công chúng. Ngay khi chúng tôi liên lạc, chú Hùng Lân lập tức coi chúng tôi như những đồng nghiệp trẻ, cùng chia sẻ tình yêu với việc sản xuất truyện tranh.
Khoảng 2-3 năm một lần, Comicola tổ chức một sự kiện truyện tranh lớn, quy tụ nhiều độc giả yêu mến truyện tranh tham dự. Mỗi sự kiện, chúng tôi đón nhận một thế hệ độc giả mới cũng như một thế hệ họa sĩ tương lai mới. Trong những sự kiện này, tôi luôn cố gắng mời chú Hùng Lân đến chia sẻ. Tôi thuộc lòng toàn bộ phần chia sẻ của chú, những điều tôi đã nghe suốt 10 năm nay, nhưng vẫn luôn muốn nghe lại, vì thực sự nó rất truyền cảm hứng.
![]() |
Họa sĩ Hùng Lân chia sẻ tại sự kiện Comic Fes 2023 do Comicola tổ chức. |
Có lẽ từ giờ trở đi, không còn ai có thể chia sẻ như thế tại các sự kiện truyện tranh của chúng tôi nữa.
Tôi viết bài viết này, với hy vọng có cơ hội để kể với các độc giả truyện tranh Việt Nam, với những người yêu thích truyện tranh, những người đang muốn bước chân vào con đường sản xuất truyện tranh về tinh thần làm việc tập trung, cũng như năng lực học hỏi phi thường của một người họa sĩ tài năng.
Tốc độ làm việc đỉnh cao
Trong hơn 3 năm, tác giả Hùng Lân hoàn thiện 159 tập truyện. Nhân với số trang 72 trang/tập, người họa sĩ đã hoàn thiện gần 12.000 trang truyện đen trắng trong khoảng hơn 1.000 ngày. Một tốc độ làm việc phi thường, ngay cả khi so sánh với các nền truyện tranh phát triển khác.
Khả năng sản xuất 10 trang truyện tranh một ngày, đều như vắt tranh suốt gần 4 năm ròng rã, đòi hỏi người họa sĩ phải có niềm đam mê với công việc, sự tập trung cao độ và trí tưởng tượng siêu phàm. Trong sản xuất truyện tranh, việc vẽ ngốn nhiều thời gian, nhưng nghĩ nội dung, kịch bản, cốt truyện luôn là phần khó khăn nhất.
Hesman 1992 là một ngoại lệ. Các tập sau có bản in lớn hơn tập trước. Sau tập 100, có thời điểm số bản in chạm mốc kỷ lục 180.000 bản. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng tôi tin rằng, Hesman cạnh tranh sòng phẳng với những tác phẩm truyện tranh Nhật Bản hot nhất thời điểm bấy giờ.
Nhưng hãy nhìn vào hai đầu truyện tranh hot nhất những năm 1992 - 1995: Doraemon đã xuất bản ở Nhật từ nhiều năm trước, và bản in năm 1992 được scan lại từ phiên bản của Thái Lan. Dragon Balls cũng đã ra mắt từ thập kỷ trước và đã hoàn thiện tại thời điểm đó. Với một tác phẩm đã hoàn thiện, các đơn vị xuất bản hoàn toàn dễ dàng trong việc lập lịch xuất bản hàng tuần. Nhưng với Hesman, mỗi tuần trôi qua là một lần phải vẽ tập truyện mới.
Ở hiện tại, với sự hỗ trợ của công nghệ, của máy móc, của kết nối mạng Internet, chúng tôi có một team họa sĩ đã làm việc với nhau lâu năm và mỗi người phụ trách một quy trình. Nhưng, dù cố gắng đến mấy, chúng tôi không thể đạt được tốc độ dù chỉ bằng một nửa so với người họa sĩ già 30 năm trước.
Khả năng tiếp thu công nghệ ấn tượng
Khi nói đến họa sĩ Hùng Lân, đa số thông tin trên báo chí, trên mạng xã hội sẽ nói về di sản là bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman. Với cộng đồng họa sĩ truyện tranh chúng tôi, di sản chú Lân để lại là một sản phẩm hoàn toàn đặc thù: Bộ font chữ HLComic.
![]() |
Một chia sẻ trên trang cá nhân của họa sĩ Hùng Lân. |
Ngày xưa, khi Unicode chưa phổ biến, việc gõ tiếng Việt trong dàn trang truyện tranh còn nhiều khó khăn, thì HLComic nổi lên như là giải pháp tốt nhất giúp cho việc dàn trang, chế bản truyện tranh trên máy tính.
HLComic được họa sĩ Hùng Lân tự tay mày mò thiết kế, bằng việc tự học phần mềm làm font chữ. Sau khi làm xong, ông cung cấp bộ font này miễn phí cho cộng đồng.
Giờ nếu bảo tôi, ở độ tuổi gần 40, tự học một phần mềm mới để làm 1 sản phẩm mới phục vụ cho công việc, chắc tôi cũng sẽ rất đắn đo. Nhưng nhiều năm trước, chú Lân đã làm được việc đó. Và ông luôn liên tục cập nhật, tiếp thu những kiến thức mới, làm quen với các phần mềm mới, sử dụng các công nghệ mới. Khi sắm được một chiếc Macbook Air đời cũ, ông mày mò cài các phần mềm, tự đúc rút kinh nghiệm và chia sẻ với cộng đồng.
Sinh nhật chú Lân năm 2023, công ty Comicola mua tặng chú một chiếc Wacom đời mới. Chú tự tay bóc hộp, kết nối, cài đặt driver và setup thiết bị bảng vẽ, không cần nhờ đến sự trợ giúp nào.
Cá nhân tôi là một người thường xuyên nhận được các cuộc gọi "cầu cứu" từ các bậc lão niên trong dòng họ, khi cần cài đặt máy tính, điện thoại, thiết bị di động. Vì vậy khả năng tự tìm hiểu và làm chủ phần mềm máy tính của tác giả Hùng Lân khiến tôi vô cùng ấn tượng.
Một di sản của thời đại
![]() |
Bài đăng bán truyện tranh Hesman trên một nhóm mạng xã hội. |
Nếu thường xuyên đọc báo, bạn sẽ nhận được thông tin các phiên bản đầu tiên của truyện tranh Marvel, truyện tranh DC được bán với mức giá cả triệu đô.
Chưa thể so sánh với những sản phẩm hiếm như vậy, nhưng trên các diễn đàn trao đổi, mua bán truyện tranh, một bộ truyện tranh Hesman 1992 với chất lượng đẹp, có giá không dưới hàng chục triệu đồng. Dựa trên khảo sát trong cộng đồng, Hesman 1992 là bộ truyện cũ sưu tầm có giá bán trên thị trường đắt nhất hiện nay.
Không biết nói gì cho lời kết nên tôi xin phép chia sẻ chút thông tin về giá cả để bạn đọc dễ hình dung: Ba mươi năm trước, giá một cuốn truyện Hesman là 3.000 đồng. 7 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu sản xuất phiên bản điện tử của Hesman và cần tìm mua bản gốc, giá đã tăng lên gần 100.000 một cuốn. Và giờ đây, một cuốn truyện đẹp có giá dao động hàng trăm nghìn đồng trên thị trường thứ cấp.
Giá trị trường tồn và sức hút vượt thời gian của Hesman đã khiến giá trị của những cuốn truyện này tăng vượt bậc, khẳng định vị thế như một di sản văn hóa đích thực.
Họa sĩ Nguyễn Hùng Lân sinh năm 1956. Ông là một trong những tên tuổi tiên phong của truyện tranh Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bộ truyện tranh huyền thoại Dũng sĩ Hesman - một biểu tượng văn hóa đại chúng từng làm say mê hàng triệu độc giả Việt Nam vào thập niên 1990. Ngoài Hesman, ông còn được yêu mến với các bộ truyện Siêu nhân Việt Nam, Cô tiên xanh, Thằng Bờm,...
Ông qua đời vào chiều ngày 9/5. Chương trình Lễ an táng Inhaxiô Nguyễn Hùng Lân: 7h sáng thứ bảy 10/5 đón linh cữu về quàn tại nhà xứ 121 Phan Đăng Lưu, phường 7 Phú Nhuận Lễ an táng diễn ra vào 5h thứ hai 12/5 tại nhà thờ Phú Hạnh, 121 Phan Đăng Lưu.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.