"Hãy nói rằng con cần mẹ": Khi trầm cảm cần được lắng nghe và đồng hành

(Dân trí) - Cuốn sách về trầm cảm của PGS.TS Nguyễn Phương Hoa mở ra góc nhìn khoa học và nhân văn về căn bệnh thầm lặng ở tuổi teen, khuyến khích cha mẹ và người bệnh cùng chủ động vượt qua.
Sáng 24/5 tại Hà Nội, buổi ra mắt cuốn sách Hãy nói rằng con cần mẹ của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa đã thu hút đông đảo sự quan tâm của giới chuyên môn, phụ huynh và bạn đọc.
Hãy nói rằng con cần mẹ là ấn phẩm thứ 3 của tác giả về đề tài trầm cảm, tập trung vào nhóm đối tượng trẻ vị thành niên. Tác phẩm được chia làm 3 phần: Từ nhận diện băn khoăn ban đầu, đến đối mặt thách thức cụ thể và kết thúc bằng những phương pháp đồng hành lâu dài.
Mỗi chương đều được trình bày khoa học, dễ tiếp cận, lồng ghép giữa lý thuyết chuyên môn và những ví dụ gần gũi từ đời sống, kèm theo lời động viên gửi đến cả người bệnh lẫn gia đình.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa bày tỏ, điều bà tâm đắc nhất ở cuốn sách lần này chính là việc kết hợp tri thức hiện đại với thực tiễn đời sống.
"Tôi đã đọc hơn 500 đầu sách, tài liệu, tạp chí khoa học để xây dựng nội dung. Tôi mong độc giả không chỉ tiếp nhận những câu chuyện kể lại mà còn cảm nhận được sự sống động của tri thức", bà Hoa nói.
Một điểm đáng chú ý trong sách là phần hướng dẫn nhận diện sớm trầm cảm, vốn thường bị nhầm với "nổi loạn tuổi dậy thì". Các dấu hiệu gồm: Mất ngủ, chán ăn, bỏ học, thu mình, ngại giao tiếp…
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa gọi đây là "những lời kêu cứu thầm lặng" và khuyên phụ huynh nên chủ động tìm chuyên gia nếu thấy con có biểu hiện kéo dài.
Bà Hoa cũng cho biết, cụm "Hãy nói rằng" ở tựa đề sách mang thông điệp khích lệ người trẻ dám cất tiếng nói để được lắng nghe và giúp đỡ.
Tại buổi ra mắt sách, nhà báo, TS. Trần Duy Phương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công Đoàn, cho biết, bản thân ông cũng từng trải qua giai đoạn hoang mang khi con trai được chẩn đoán trầm cảm nặng.
"Ban đầu tôi nghĩ con chỉ đang áp lực học hành. Nhưng khi biết con mất ngủ cả tuần, không thiết tha điều gì, tôi thực sự bối rối. Tôi từng không biết nên cho con uống thuốc hay cùng tập thiền, nên nghe bác sĩ Tây y hay thử Đông y", ông Phương nói.
Từ trải nghiệm cá nhân và chứng kiến nhiều trường hợp chữa trị sai cách, ông đánh giá cao tính khoa học và thực tiễn của cuốn sách Hãy nói rằng con cần mẹ.
Từ góc nhìn thực tiễn lâm sàng, PGS.TS Nguyễn Sinh Phúc - nguyên giảng viên khoa Tâm thần, Học viện Quân y 103 - cho rằng một trong những rào cản lớn nhất trong điều trị trầm cảm tại Việt Nam hiện nay chính là hiện tượng "phủ định bệnh" đến từ phía gia đình người bệnh.
Theo ông Nguyễn Sinh Phúc, chính sự thiếu hiểu biết và kỳ thị xã hội khiến nhiều gia đình giấu giếm, tìm cách điều trị xa nhà, dẫn đến người bệnh không được hỗ trợ đúng cách, dễ tái phát và kéo dài tình trạng bệnh.
Ông Phúc nhấn mạnh rằng, trầm cảm cần được nhìn nhận là một căn bệnh thực sự, và người bệnh rất cần được đồng hành bởi người thân, xã hội và các chuyên gia tâm lý.
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa là chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý học tại Việt Nam. Bà từng giữ nhiều vị trí quan trọng như: Trưởng phòng Thực nghiệm và Ứng dụng Tâm lý học - Viện Tâm lý học (nay là Viện Xã hội học và Tâm lý học) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam.
Đồng thời, bà cũng là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind Việt Nam - nơi tập hợp những nhà hoạt động xã hội vì sức khỏe tinh thần cộng đồng.
Không chỉ hoạt động nghiên cứu và tư vấn, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa còn là tác giả của nhiều ấn phẩm khoa học và sách ứng dụng, trong đó nổi bật là 2 cuốn Có một cơn đau mang tên trầm cảm và Khi mây đen kéo tới, xuất bản trong giai đoạn 2018-2019.