Nhảy đến nội dung
 

Hành trình mang ánh điện từ đất liền đến hải đảo Trường Sa

Tôi là một cô gái từng sợ nước, sợ cái mênh mông của biển khơi, sợ cả những chuyến tàu miên viễn không biết khi nào mới cập bến, vậy mà cũng cô gái ấy đã từng có 2 lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa.

Nơi hải đảo đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, nơi mà tôi chỉ từng được thấy qua sách vở hay những bản tin thời sự chiếu trên tivi. Vậy mà giờ đây, tôi lại có cơ hội đứng ở đó, giữa Biển Đông rộng lớn, giữa những người lính biển và sắc cờ đỏ thắm bay phần phật trong nắng gió. Đời người vốn là những chuyến ra khơi, có khi thênh thang, có khi dữ dội. Ắt hẳn trong cuộc đời con người chúng ta cũng sẽ đôi lần phải tự mình băng qua những con sóng lớn, không phải trên biển, mà là vượt qua những con sóng trong chính lòng mình.

Chiều hôm ấy, con tàu nhỏ lặng lẽ rẽ sóng tiến về Len Đao (quần đảo Trường Sa). Tôi đứng giữa hơn 20 con người, họ là những công dân từ khắp mọi miền đất nước - cùng vẫy tay chào các anh, những người con của biển cả. 

Có lẽ ít ai biết rằng, chỉ mới vài thập kỷ trước đây thôi, Song Tử Tây, Đá Tây A, Sinh Tồn và hàng loạt đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa còn chưa có ánh điện. Tôi đã nghe lời kể của những người lính hải quân, họ phải làm nhiệm vụ tuần tra dưới ánh đèn pin, những ca phẫu thuật khẩn cấp tại trạm xá được thực hiện dưới ánh sáng của vài viên pin tiểu. Trẻ em nơi đây học bài bằng đèn dầu, còn việc trữ thực phẩm lâu dài là điều mà người dân chưa từng dám nghĩ tới.

Nhưng rồi, trong những năm tháng ấy, ánh điện đã thắp lên giữa trùng khơi khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam - với tầm nhìn vượt biển - bắt đầu hành trình đưa điện mặt trời ra đảo. Không có cột điện băng núi rừng cũng chẳng có lưới điện chạy dọc quốc lộ như ở đất liền. Ở đây, người kỹ sư điện phải hóa thân thành lính biển: lênh đênh hàng giờ giữa sóng to gió lớn, vác từng tấm pin mặt trời, từng chiếc máy phát. Bởi lẽ hành trình vạn dặm của EVN cùng hành trình hơn 20 năm đưa điện ra đảo là một hành trình không giống bất kỳ công trình nào cả. Không có những con đường rộng lớn, càng không có những phương tiện vận chuyển hiện đại. 

 Nơi đây không chỉ có biển xanh rộng lớn, có cái nắng cái gió dữ dội, mà có cả những "chiến sĩ áo cam" kiên cường cùng đôi tay trần lấm muối và đôi vai trĩu nặng, lênh đênh cả tháng giữa trùng khơi. Họ mang theo những tấm năng lượng mặt trời với hy vọng cao cả đó là thắp sáng Trường Sa. Những giọt mồ hôi hòa cùng nước biển mặn chát lấp lánh như những ngôi sao trên bầu trời rộng lớn. Có những lần vận chuyển hàng chục tấn thiết bị: ắc quy, dây dẫn, cột đỡ, công tơ, tất cả đều phải gói gọn, buộc chặt trên xuồng nhỏ hoặc ca nô bởi thuyền lớn không thể tiếp cận vào đảo, rồi cũng những chiến sĩ áo cam ấy phải vững tay để vượt những cơn sóng cả dữ dội. 

Nhiều lần sóng lớn lật xuồng, thiết bị ướt sạch, cả tổ phải ngồi phơi bảng mạch, sấy dây cáp như những ngư dân thực thụ. Cũng có khi để hoàn thiện lắp đặt những mái nhà điện mặt trời, các anh chấp nhận phơi mình dưới cái nắng bỏng rát đến cháy da cháy thịt. Đã có anh thợ điện gục xuống vì say nắng, cũng có những đôi tay không còn lành lặn, bị "trầy da tróc thịt" vì cẩu hàng tấn thiết bị. Nhưng có lẽ có một điều mà tất thảy đều giống nhau - đó là họ chưa từng có suy nghĩ bỏ cuộc, chưa từng thôi hy vọng về ngày mai tươi sáng, bởi lẽ hơn hết, họ hiểu rằng, có điện thì cuộc sống của người dân nơi đây và những người lính hải đảo sẽ bớt đi khó khăn phần nào.

Cũng vì lẽ đó mà họ thay phiên nhau làm việc ngày đêm, người gối đầu trên bao xi măng, người thì nằm bên máy biến áp, mảnh lưng trần ướt đẫm mồ hôi hòa cùng nước biển mặn chát. Khi trạm điện đầu tiên trên đảo bật sáng, họ vỡ òa cảm xúc. Niềm vui tưởng chừng như xa xỉ ấy nhưng thực sự đã hiện diện nơi đây, tại những hòn đảo cách đất liền cả vạn dặm này. Thứ ánh sáng rực rỡ và huy hoàng ấy không chỉ thắp sáng đảo xa, nó còn thắp lên cả những hy vọng và cả những mơ ước về tương lai tươi sáng. Các em nhỏ hân hoan dưới ánh điện sáng, tiếng đài báo, tiếng tivi hòa cùng tiếng sóng biển rì rào. Tàu cá ra khơi có thể cập nhật dự báo thời tiết chính xác nhờ hệ thống truyền tín hiệu ổn định. Tất cả dường như khoác lên mình hình hài mới vậy.

Mỗi lần nhìn lại bức ảnh chụp cả đoàn đứng chen nhau trên boong tàu - những gương mặt rạng rỡ, bàn tay giơ cao vẫy chào, tôi lại thầm nghĩ: chúng tôi không chỉ là những người đi thăm đảo. Chúng tôi là chứng nhân cho một hành trình không mệt mỏi của ngành Điện miền Nam - từ những trạm biến áp đầu tiên giữa đồng bằng Nam bộ đến tận cùng ngọn sóng Trường Sa. Có lẽ giữa ngút ngàn biển khơi, ánh sáng của điện không đơn thuần chỉ là nguồn năng lượng dùng để chiếu sáng, mà giờ đây điện chính là niềm tin, là sự kết nối yêu thương của những người đồng bào, là lời cam kết âm thầm nhưng mạnh mẽ: Từ đất liền đến đảo xa, ánh sáng không chỉ soi đường - mà còn khẳng định một điều: Mỗi tấc biển, mỗi ngọn sóng đều có hơi ấm của Tổ quốc.

Và dường như hành trình ấy chẳng bao giờ kết thúc, như âm nhạc nuôi dưỡng trái tim con người và công trình vĩ đại thắp sáng Trường Sa ấy vẫn còn mãi, rực rỡ cả tương lai.

(Bài viết được truyền cảm hứng theo lời kể của chị Nguyễn Thị Tố Uyên - Phó bí thư Đoàn Học viện Múa Việt Nam - một trong những đại biểu của Đoàn công tác số 11 - trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/14 vào ngày 24.4.2024)