Hà Nội lập tổ liên ngành để chuyển đổi sang xe điện, xây dựng trạm sạc

(Dân trí) - Theo quyết định, tổ liên ngành có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố tổ chức chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện.
Ngày 14/7, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3763 về việc thành lập tổ công tác liên ngành để tham mưu cho UBND thành phố triển khai các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và hạ tầng trạm sạc xe điện trên địa bàn Hà Nội.
Theo quyết định, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, làm Tổ trưởng Tổ công tác. Hai Tổ phó là ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương và ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Tổ công tác có 6 thành viên là Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố; ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính; bà Nguyễn Tố Quyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Trần Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc; ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.
Ngoài ra, tổ công tác còn có lãnh đạo UBND các phường, xã và tổ giúp việc gồm 19 thành viên đại diện từ các Sở, ngành trên địa bàn.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố tổ chức triển khai các nhiệm vụ về: Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện; rà soát, đề xuất nhiệm vụ mới phát sinh theo thực tế.
UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực huy động nhân sự, thiết bị, tổng hợp ý kiến, sử dụng con dấu của Sở để thực hiện nhiệm vụ.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP Hà Nội thực hiện các biện pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.
Từ ngày 1/1/2028, mục tiêu đặt ra là không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030, chủ trương này sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Đến hết năm 2024, Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan Trung ương).
Trong đó, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô và trên 6,9 triệu xe máy; khoảng 1,2 triệu ô tô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn.