Guồng nước 'công trình thủy lợi' của người dân vùng cao xứ Thanh

Đến các xã vùng cao của tỉnh Thanh Hóa không khó để nhìn thấy các guồng nước được người dân lắp ở các khe, suối để lấy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
XEM CLIP:
Guồng nước là một trong những biểu tượng gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và lao động của người Thái, Mường ở vùng cao Thanh Hóa. Những guồng nước này được người dân gọi là “công trình thủy lợi”.
Guồng nước hay còn gọi là “cọn nước”, là một hệ thống lấy nước từ sông, suối để dẫn về ruộng đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Không giống như những hệ thống tưới tiêu hiện đại với máy bơm điện hay mô tơ, mương dẫn nước kiên cố, guồng nước hoạt động hoàn toàn dựa vào sức nước chảy. Guồng được làm từ những nguyên vật liệu đơn giản như tre, nứa, gỗ rừng, dây mây…
Từ xa xưa, guồng nước đã hiện diện ở nhiều bản làng vùng cao xứ Thanh như bản Hiêu (Bá Thước), bản Hang (Quan Hóa), bản Pốn (Quan Sơn)… Nơi nào có con suối chảy xiết, nơi ấy người dân dựng nên những guồng nước lớn nhỏ, quay đều ngày đêm, đưa dòng nước mát lành lên những thửa ruộng bậc thang hay những vạt nương xa nguồn nước.
Theo người dân địa phương, một guồng nước hoàn chỉnh thường cao từ 3-6m, đường kính từ 2-4m tùy theo địa hình và lưu lượng nước của suối.
Cấu trúc chính của guồng, gồm: Trục guồng làm bằng thân gỗ lớn, chắc khỏe, đặt ngang dòng chảy. Trục này có thể xoay, giữ vai trò trung tâm để cả guồng quay được.
Cánh guồng, là những thanh tre dài gắn vuông góc với trục, tạo thành hình nan hoa như bánh xe khổng lồ. Trên mỗi nan cắm những ống tre hoặc nứa rỗng là máng hứng nước.
Ống dẫn nước, khi guồng quay, các ống tre múc nước từ suối, đưa lên cao rồi đổ vào máng dẫn làm từ tre, chảy men theo sườn đồi về cánh đồng.
Guồng quay được là nhờ lực đẩy của dòng nước chảy xiết tác động vào các cánh guồng. Khi guồng quay, các ống tre đầy nước được nâng dần lên cao rồi đổ nước vào máng dẫn. Cứ như thế, nước được đưa từ suối lên cao mà không cần bất kỳ nguồn điện nào.
Điều quan trọng nhất trước khi làm guồng, người thợ phải khảo sát kỹ vị trí đặt trục, xác định độ dốc dòng chảy, tính toán chiều cao và độ nghiêng của máng dẫn để nước chảy tự nhiên mà không bị thất thoát.
Quá trình dựng guồng thường kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng. Mọi công đoạn đều thủ công, nhưng đòi hỏi sự chính xác và khéo léo đến từng chi tiết.
Guồng nước không chỉ là công cụ sản xuất, mà còn là biểu tượng văn hóa gắn với cộng đồng. Nhiều guồng nước lớn phải huy động cả bản cùng góp công sức, trở thành dịp để mọi người gắn kết, sẻ chia và gìn giữ tập quán truyền thống.
Không chỉ là nét đẹp trong lao động, guồng nước còn trở thành điểm nhấn hấp dẫn du khách. Tại bản Hiêu (xã Cổ Lũng), trung tâm du lịch cộng đồng nổi bật của Pù Luông, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những chiếc guồng nước “khổng lồ” quay giữa thiên nhiên hùng vĩ. Nhiều bạn trẻ không ngần ngại lội suối, đứng dưới máng nước để ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng cùng guồng nước.