Gốc rễ để thân thể khỏe mạnh

Cuốn sách lần lượt giới thiệu đến người đọc các kiến thức bổ ích liên quan đến: Điều hòa khí huyết nhằm nuôi dưỡng ngũ tạng; dưỡng khí, bổ huyết trong thời kỳ đặc biệt của phụ nữ; điều hòa khí huyết khi mắc các bệnh phụ khoa; dưỡng huyết ích khí, đả thông kinh lạc; dưỡng khí huyết thông qua thực phẩm; bổ sung khí huyết để nuôi dưỡng tử cung…
![]() |
Tập thể dục thường xuyên là cách để giúp khí huyết lưu thông. Ảnh minh họa: SBS. |
Chỉ khi âm dương giao thoa hài hòa, đất trời mới mưa thuận gió hòa, cây trái được mùa bội thu. Tương tự, chỉ khi khí huyết trong cơ thể cân bằng, con người mới khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.
Ngược lại, nếu âm dương của đất trời không hòa hợp thì dễ xảy ra lũ lụt, hạn hán, thiên tai, con người không thể sinh tồn được. Khí huyết trong cơ thể mất cân bằng sẽ gây tức ngực và khó thở, cảm giác như đang có một tảng đá đè lên ngực. Chính vì thế, sự cân bằng của khí huyết đóng vai trò mấu chốt quyết định một người có khỏe mạnh hay không.
Đông y cho rằng khí của cơ thể con người bao gồm can khí, phế khí, thận khí, tỳ khí, vệ khí, dưỡng khí và tông khí. Để hiểu về khí, bạn chỉ cần nhớ đến câu: “Khí là động lực của cơ thể con người.” Người xưa từng nói: “Khí tụ thì sống, khí tán thì chết.” Một khi khí tiêu tán, cơ thể cũng mất đi động lực duy trì sự sống, sinh mệnh đương nhiên sẽ chấm dứt.
Nếu coi cơ thể con người như một cái cây, khí chính là gốc, còn cơ thể là thân và lá. Rễ sâu thì thân và lá mới có thể sinh sôi, phát triển. Khí dồi dào thì con người sống thọ. Nếu gốc yếu ớt, sâu bệnh, thân và lá đương nhiên sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cơ thể ngày càng hao mòn, bệnh tật tất sẽ tìm đến.
Trong tự nhiên, gió giục mây vần, gió thổi cỏ lay, đây thực ra đều là chuyển động của khí. Vậy, khí trong cơ thể chúng ta hoạt động như thế nào?
- Đầu tiên, khí có chức năng như một động cơ: Sự tăng trưởng và phát triển, các hoạt động của phủ tạng, sự vận hành của khí huyết cũng như sự phân phối chất lỏng trong cơ thể đều cần có khí kích thích và thúc đẩy. Nếu cơ thể bị thiếu khí, quá trình sinh trưởng và phát triển bị trì trệ, tạng phủ cùng kinh mạch suy giảm chức năng, tân dịch không được phân phối đến các cơ quan, từ đó gây ra tình trạng đàm ẩm.
- Thứ hai, khí có chức năng điều hòa cơ thể: Thân nhiệt phải luôn ổn định, không được cao cũng không được thấp. Dù nhiệt độ bên ngoài cao tới 40℃ vào mùa hè hay xuống dưới 0℃ vào mùa đông, nhiệt độ cơ thể con người vẫn duy trì ở khoảng 36,5℃.
Sở dĩ thân nhiệt ổn định như vậy là do khí trong cơ thể hội tụ khi nhiệt độ bên ngoài giảm xuống, đây cũng chính là lý do tại sao chúng ta nổi da gà khi gặp lạnh đột ngột; ngược lại, khi nhiệt độ bên ngoài tăng lên, khí trong cơ thể tản ra, đẩy nhiệt lượng dư thừa ra ngoài, đó là lý do tại sao chúng ta đổ mồ hôi khi trời nóng.
Chính vì thế, khí còn được gọi là “máy điều hòa nhiệt độ” của cơ thể. Nhưng hiện nay, rất nhiều người sử dụng điều hòa để ứng phó với thời tiết: Trời nóng thì mở điều hòa lạnh, trời lạnh thì bật điều hòa nóng. Song có lẽ mọi người không biết rằng càng sử dụng điều hòa nhiều, “máy điều hòa” trong cơ thể càng hoạt động kém đi, vì vậy con người ngày càng dễ bị nóng và sợ lạnh.
- Thứ ba, khí có chức năng như một bộ ổn áp của cơ thể con người: Các cơ quan tạng phủ trong cơ thể luôn chịu lực hút của Trái Đất. Sự chuyển động của khí tạo ra nhiều lực khác nhau, từ đó giúp bù đắp trọng lực và giữ cho các cơ quan tạng phủ ở trạng thái cân bằng. Bên cạnh đó, khí còn kiểm soát để huyết không tràn ra ngoài tĩnh mạch, đồng thời điều hòa sự phân bố và bài tiết mồ hôi, nước tiểu, nước bọt một cách hiệu quả. Thiếu khí thì tạng phủ dễ bị chùng xuống, khí trong dạ dày yếu thì sa dạ dày, khí trong gan yếu thì sa gan, khí trong thận yếu thì sa thận.
- Thứ tư, khí có chức năng chuyển hóa năng lượng cho cơ thể: Trong tự nhiên, nước có thể chuyển hóa thành điện năng. Trong cơ thể con người, thận thủy có thể chuyển hóa thành thận khí, huyết có thể chuyển hóa thành mồ hôi… Nói chung, quá trình trao đổi chất và chuyển hóa giữa tinh, khí, huyết, tân dịch với nhau đều phải dựa vào khí.
Đông y gọi quá trình chuyển hóa năng lượng này là “khí hóa”. Khi khí trong cơ thể dồi dào, chức năng khí hóa đương nhiên sẽ mạnh và ngược lại.