Giờ G điểm, doanh nghiệp cùng chạy đua

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng nhiều từ việc sáp nhập tỉnh thành nhưng cũng tất bật để tránh mắc kẹt trong các thủ tục từ việc cập nhật địa chỉ trên hóa đơn, thay đổi bao bì đến thủ tục ngân hàng, xuất nhập khẩu...
Nhiều dự án chưa kịp giải quyết mong chờ không phải làm lại... từ đầu. Thay đổi địa chỉ, nhiều việc tưởng đơn giản nhưng thực tế không hẳn vậy.
Sớm giải quyết thủ tục tồn đọng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-6, bà Lâm Thúy Ái, chủ tịch HĐTV Công ty sản xuất - thương mại Mebipha, cho biết doanh nghiệp này đang đầu tư dự án nuôi gà công nghệ cao theo tiêu chí xanh. Thời gian qua, doanh nghiệp này sốt sắng thực hiện các thủ tục hành chính, chạy đua với "giờ G" sáp nhập và cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận.
Tuy nhiên, do dự án sản xuất xanh với nhiều thủ tục mới trong khi Ninh Thuận sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa, các đơn vị đang kiện toàn bộ máy nên các thủ tục chưa hoàn tất đã tạm ngưng để chờ trình lãnh đạo mới.
Theo bà Ái, doanh nghiệp lo lắng nếu lãnh đạo mới xem xét hồ sơ lại từ đầu, quy trình bắt đầu lại khâu nộp hồ sơ sẽ khiến cho doanh nghiệp mất thêm thời gian. Bên cạnh đó, với các chính sách ưu đãi hiện có, bà Ái cũng mong muốn tiếp tục được duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp trong thu hút đầu tư và triển khai dự án.
"Chúng tôi mong muốn các địa phương sớm kiện toàn bộ máy và vận hành trơn tru để hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính, giúp cho quy trình thủ tục được nhanh hơn, thuận lợi hơn", bà Ái nói.
Còn ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc thương hiệu cà phê Meet More, cho biết công ty chỉ đổi địa chỉ hành chính trên giấy tờ từ xã Nhị Bình (huyện Củ Chi) thành xã Đông Thành vì nhà máy vẫn ở nguyên vị trí cũ.
Nhưng thị trường quốc tế không "linh hoạt" như trong nước nên mọi hồ sơ xuất khẩu đều gắn chặt địa chỉ đăng ký. Điều khiến doanh nghiệp lo lắng hơn là thời gian làm lại hồ sơ không hề ngắn khi đăng ký mã nhà sản xuất mới có thể mất 4 - 6 tháng, thậm chí lâu hơn với một số thị trường khó tính.
Ngoài ra, bài toán đau đầu hơn với doanh nghiệp là bao bì khi tồn kho lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn đã in sẵn địa chỉ cũ nên doanh nghiệp phải làm lại từ đầu để thay bao bì. Do đó, ông Luận cho rằng các cơ quan quản lý cần giãn lộ trình kiểm tra tem nhãn để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi, tránh lãng phí các bao bì đã in.
Hóa đơn, hợp đồng... cần lộ trình thay đổi
Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang dồn lực điều chỉnh lại hệ thống phần mềm, hợp đồng... để đảm bảo xuất hóa đơn VAT, vì các hợp đồng đều phải chính xác địa chỉ.
Ông Nguyễn Văn Trí, tổng giám đốc Công ty Lập Phúc, cho hay doanh nghiệp đổi từ khu phố 2 sang khu phố 8, nghe rất đơn giản nhưng hóa đơn thuế cần ghi đúng, nếu xuất sai có thể mất thời gian cho các thủ tục về sau.
Ông Trí cho rằng Nhà nước nên có độ trễ hợp lý, cần có lộ trình cho doanh nghiệp từ 3 - 6 tháng để điều chỉnh từ từ. "Một thay đổi hành chính nhỏ trên giấy tờ, nếu thiếu chuẩn bị và hỗ trợ đồng bộ, có thể thành điểm nghẽn rất lớn trong vận hành thực tế", ông Trí nói.
Chi cục Thuế khu vực II (TP.HCM) cho hay đã hoàn tất việc cập nhật thông tin địa chỉ của người nộp thuế trên hệ thống cơ sở dữ liệu, dựa trên danh mục địa bàn hành chính mới. Thay đổi này không bắt buộc người nộp thuế phải điều chỉnh thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong trường hợp địa chỉ ghi trên hóa đơn là địa chỉ đã được cơ quan thuế cập nhật theo danh mục mới, nhưng chưa khớp với địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người nộp thuế có thể sử dụng thông báo này làm căn cứ để giải trình với cơ quan liên quan hoặc đối tác, khách hàng.
Ông Trần Anh Khoa, tổng giám đốc Anh Khoa Seafoods (Cà Mau), cho biết tỉnh sáp nhập với Bạc Liêu và tên tỉnh mới vẫn là Cà Mau, nhưng tên phường thay đổi nên nhiều ngày qua đơn vị cũng chủ động thay đổi thông tin từ bảng hiệu, hồ sơ, văn bản, giấy tờ liên quan đến công ty và đại diện công ty để tiện cho việc hoạt động. "Về cơ bản không có quá nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp cần thêm thời gian để thay đổi tất cả", ông Khoa nói.