Giáo hoàng mang quốc tịch gì khi là nguyên thủ Vatican?

Giáo hoàng Leo XIV là người Mỹ đầu tiên trở thành lãnh đạo Giáo hội Công giáo. Giáo hoàng không chỉ là lãnh đạo tinh thần của Giáo hội với khoảng 1,4 tỷ tín đồ trên toàn thế giới, mà còn là người đứng đầu Vatican, lãnh thổ được công nhận là quốc gia nhỏ nhất thế giới.
Vatican có diện tích khoảng 0,44 km2 với dân số thống kê năm 2024 là 882 người. Vatican trở thành quốc gia độc lập từ năm 1929 theo hiệp ước giữa Italy và Tòa thánh.
Trước khi trở thành nguyên thủ Vatican, Giáo hoàng Leo XIV có tên khai sinh là Robert Francis Prevost và là người mang hai quốc tịch Mỹ, Peru. Ông sinh ra tại Chicago, bang Illinois, Mỹ năm 1955 với cha mẹ là người gốc Tây Ban Nha và Pháp - Italy. Ông sau đó chuyển đến Peru làm linh mục và được cấp quốc tịch ở đó.
Việc Giáo hoàng Leo XIV giờ đây đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia của Vatican cũng đặt ra câu hỏi liệu ông có phải từ bỏ quốc tịch Mỹ và Peru hay không.
Người Mỹ làm việc cho các chính phủ nước ngoài không nhất thiết bị tước quốc tịch, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ có thể "xem xét" điều này nếu công dân Mỹ trở thành nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ hoặc bộ trưởng ngoại giao nước khác.
"Những trường hợp như vậy đặt ra câu hỏi phức tạp về luật pháp quốc tế, gồm các vấn đề liên quan tới mức độ miễn trừ theo luật pháp Mỹ mà người nắm giữ các vị trí như vậy có thể được hưởng", chính sách nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về trường hợp của Giáo hoàng Leo XIV, nói rằng họ không thảo luận về quyền công dân của các cá nhân.
Peter Spiro, giáo sư luật Đại học Temple kiêm chuyên gia về luật công dân, nói vấn đề cốt lõi là liệu các lãnh đạo như vậy có nên giữ quốc tịch Mỹ hay không, khi họ được hưởng quyền miễn trừ khá rộng với các quy định trong luật pháp Mỹ.
Việc các nguyên thủ được hưởng quyền miễn trừ như vậy có thể xung đột với nguyên tắc trong hiến pháp Mỹ rằng không công dân nào được đứng trên pháp luật. Nhưng việc tước quốc tịch cũng phức tạp không kém và có thể trái với quy định của luật pháp Mỹ.
Tòa án Tối cao Mỹ năm 1980 ra phán quyết khẳng định người Mỹ không thể bị tước quyền công dân trừ khi họ cố tình từ bỏ nó. "Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không bao giờ giả định rằng bạn có ý muốn từ bỏ quốc tịch, trừ khi chính bạn nói ra điều đó", Spiro nói.
Giáo sư này thêm rằng rất khó có thể lập luận rằng ông Robert Francis Prevost khi nhậm chức Giáo hoàng đã chấp nhận từ bỏ quốc tịch Mỹ. Bởi vậy, ông tin rằng Giáo hoàng Leo XIV vẫn sẽ là công dân Mỹ nếu ông không đưa ra tuyên bố từ bỏ quốc tịch này.
Nếu không từ bỏ quốc tịch Mỹ, Giáo hoàng vẫn sẽ phải tuân thủ theo luật thuế của Mỹ, yêu cầu công dân phải nộp thuế thu nhập cá nhân dù sống ở đâu. Vị trí Giáo hoàng có mức lương khoảng 33.800 USD mỗi tháng, theo Fortune. Giáo hoàng Francis trước đây quyên góp toàn bộ số lương của ông cho những người gặp khó khăn.
Trong khi đó, luật pháp Peru không có điều khoản nào quy định tước quyền công dân đã cấp cho Robert Francis Prevost sau khi ông được bầu làm Giáo hoàng, theo Jorge Puch, phó giám đốc Cơ quan đăng ký quốc gia về Căn cước và Tình trạng Công dân Peru.
Ông Prevost được cấp quốc tịch Peru vào tháng 8/2015, một tháng trước khi Giáo hoàng Francis bổ nhiệm ông làm giám mục Chiclayo, khu vực phía bắc Peru. Để được cấp quyền công dân, ông phải sống ở Peru ít nhất hai năm và vượt qua bài kiểm tra công dân.
Những người Peru trưởng thành đến 69 tuổi, gồm cả công dân nhập tịch, được yêu cầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. Giáo hoàng Leo XIV sẽ không bắt buộc phải bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Peru vào tháng 4 năm sau, bởi ông sẽ bước sang tuổi 70 vào tháng 9.
Giới quan sát cho biết không có thông tin về tình trạng công dân của những giáo hoàng trước đây. Giáo hoàng Francis chỉ được biết đã gia hạn hộ chiếu tại quê nhà Argentina vào năm 2014, một năm sau khi trở thành lãnh đạo Tòa thánh Vatican. Giáo hoàng Benedict XVI sinh ra ở Đức và Giáo hoàng John Paul II gốc Ba Lan chưa bao giờ công khai từ bỏ quyền công dân của họ.
Giáo hoàng John Paul là lãnh đạo Vatican đầu tiên không phải người Italy trong 455 năm.
Trước đây, một số người Mỹ đã lựa chọn từ bỏ quốc tịch khi trở thành lãnh đạo nước ngoài. Cựu thủ tướng Boris Johnson sinh ra ở New York năm 1964 với bố mẹ là người Anh. Ông rời Mỹ từ khi còn nhỏ và từ bỏ quốc tịch Mỹ năm 2016, khi đang giữ chức ngoại trưởng Anh. Ông Johnson trở thành thủ tướng Anh ba năm sau đó.
Mohamed Abdullahi Mohamed từng là công dân Mỹ khi ông được bầu làm tổng thống Somalia năm 2017. Sinh ra ở Somalia, gia đình ông chuyển đến Mỹ vào năm 1985 và trở thành công dân vào những năm 1990. Mohamed đã từ bỏ quốc tịch Mỹ sau hai năm tại nhiệm.
Valdas Adamkus đã trở thành công dân Mỹ sau khi gia đình ông rời Litva. Năm 1998 ông trở về Litva và đắc cử tổng thống, sau đó từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Margaret Susan Thompson, giáo sư sử học Đại học Syracuse và chuyên gia về Công giáo Mỹ, cho biết bà không cho rằng Giáo hoàng Leo XIV sẽ từ bỏ quốc tịch Mỹ. Song bà tin Giáo hoàng đã gửi thông điệp khi có bài phát biểu đầu tiên bằng tiếng Italy và Tây Ban Nha, thay vì tiếng Anh.
"Tôi nghĩ ông ấy muốn nhấn mạnh rằng giờ mình là lãnh đạo của Giáo hội Công giáo toàn cầu, chứ không phải một người Mỹ giữ vị trí đó", bà nói.
Thùy Lâm (Theo AP, NBC Washington)