Giám đốc Ban giao thông TP.HCM cam kết: 'Vành đai 3 TP.HCM đúng tiến độ, không đội vốn'

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) - đã cam kết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ.
Ông Phúc đưa ra tuyên bố này trước những khó khăn thiếu hàng triệu mét khối cát khi khối lượng thi công đường vành đai 3 mới đạt 37,8%.
"Sẽ không thất hứa!"
* Theo yêu cầu của Chính phủ, UBND TP.HCM, dự án sẽ thông xe 14,7km đoạn cầu cạn ở TP Thủ Đức và thông xe kỹ thuật 32km ở đoạn phía tây cuối năm 2025. Thành phố đã nhiều lần yêu cầu Ban Giao thông xây dựng tiến độ chi tiết, giải pháp khả thi để bù lại tiến độ đã chậm. Vậy ban đã hoàn thành chưa, có khó khăn gì?
- Thiếu cát đang thực sự là khó khăn rất lớn. Hiện nay, dự án đang còn thiếu khoảng 3,7 triệu m3 cát cho toàn tuyến, riêng phía tây cần khoảng 5 triệu m3 nhưng mới đưa được 1,5 triệu m³. Muốn đảm bảo tiến độ, trong tháng 5, tháng 6 phải có thêm ít nhất 2 triệu m3 nữa.
Hai năm qua, TP.HCM đã làm việc với các địa phương như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang để hỗ trợ cấp mỏ, Thủ tướng cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo cung cấp vật liệu cho dự án. Đến nay, các địa phương đã cấp phép 14 mỏ cát nhưng chậm hơn so với cam kết ban đầu. Chúng tôi cũng đề xuất cơ chế đặc thù để tăng công suất khai thác thêm 50%. Nhiều nhà thầu cũng tập trung mua cát thương mại và nhập khẩu cát từ Campuchia.
Tiến độ đưa cát về đường vành đai 3 TP.HCM đang được cải thiện và sẽ đảm bảo nhu cầu trong thời gian tới. Dù có khó khăn nhưng chúng tôi quyết không lùi bước để triển khai đưa dự án về đích đúng hẹn như mục tiêu đề ra, bao gồm cả kế hoạch đưa cát về công trường, thay đổi biện pháp thi công và xử lý nền đất yếu.
Chúng tôi khẳng định sẽ hoàn thành dự án như mục tiêu đã đề ra. Các giải pháp để thực hiện mục tiêu là có cơ sở, không phải báo cáo theo kiểu lạc quan.
* Khối lượng còn phải thực hiện cho dự án rất lớn, trong khi mốc tiến độ theo yêu cầu chỉ còn 8 tháng. Ông có e ngại mình lại thất hứa?
- Chúng tôi không né tránh khó khăn, mà đối diện để giải quyết. Đưa dự án đường vành đai 3 TP.HCM về đích là lời hứa danh dự của Ban Giao thông với Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM và người dân. Chúng tôi đặt tất cả tâm huyết, trách nhiệm và niềm tin vào công trình này.
Đường vành đai 3 TP.HCM không chỉ là một dự án giao thông mà là giấc mơ, là khát vọng, và phải thành công. Chúng tôi hiểu rõ đây là công trình trọng điểm quốc gia, không một phút giây nào được phép buông lơi và không được phép thất hứa. Thời điểm này chúng tôi đang quyết tâm và cố gắng gấp 10 lần so với trước.
* Ông có thể cho biết giải pháp cụ thể mà chủ đầu tư đưa ra là gì trong khi thời gian xử lý nền đất yếu theo quyết định phê duyệt là phải chờ từ 8 - 14 tháng?
- Rất nhiều giải pháp đang được triển khai đồng loạt như tăng mật độ bấc thấm, điều chỉnh chiều cao đắp nền, chuyển đổi biện pháp gia tải bằng hút chân không... Với các giải pháp này, thời gian xử lý được rút ngắn còn 5 - 6 tháng thay vì 10 - 12 tháng như thông thường. Một số vị trí nếu quan trắc tốt có thể về đích sớm hơn.
Tại 5 gói thầu phía tây (dài 32,5km) được áp dụng biện pháp mới trên 25% đoạn tuyến với đảm bảo hoàn thành trong tháng 11-2025. Ngoài ra, nhà thầu sẽ tiến hành giải pháp cọc xi măng đất nhưng sẽ áp dụng một số khu vực vì phát sinh chi phí rất cao.
"Dự án sẽ không đội vốn"
* Đổi giải pháp cũng sẽ dẫn đến phát sinh chi phí. Liệu có nguy cơ đội vốn? Ai sẽ chịu chi phí tăng thêm này?
- Tôi khẳng định dự án sẽ không đội vốn. Mọi thay đổi giải pháp kỹ thuật để rút ngắn tiến độ đều nằm trong phạm vi hợp đồng. Trong số 10 gói thầu, có một số gói thầu có khối lượng thực hiện rất tốt, nhưng cũng có nhà thầu "cá biệt" làm chậm.
Với những chi phí phát sinh do thay đổi giải pháp kỹ thuật để khắc phục chậm tiến độ, nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm và chi trả.
* Ban Giao thông đã xử lý các nhà thầu "cá biệt" này theo yêu cầu của lãnh đạo UBND TP như công văn vào tháng 4-2025 chưa?
- Chúng tôi đang giám sát kỹ từng gói thầu, từng nhà thầu. Chúng tôi cũng đã xử phạt gần 20 tỉ đồng, đồng thời xem xét điều chuyển khối lượng đối với 7 nhà thầu chậm tiến độ ở phía tây. Nếu các nhà thầu tiếp tục không cải thiện sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Gần đây, UBND TP.HCM đã hai lần mời các nhà thầu làm chậm lên làm việc để lắng nghe các khó khăn, đồng thời chấn chỉnh, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.
TP cũng đang tổng hợp các nhà thầu làm chậm để thông báo lên mạng đấu thầu quốc gia và xem xét hạn chế đấu thầu ở TP trong thời gian 2 - 3 năm tới.
* Tiến độ dự án cũng phụ thuộc vào dòng tiền giải ngân. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân dự án trong quý 1-2025 của chủ đầu tư chỉ đạt 7% và đã được TP nhắc nhở. Ban sẽ làm gì để tăng tốc giải ngân, đảm bảo đủ nguồn lực cho nhà thầu triển khai?
- Hiện nay giải ngân chung của ban cũng khá thấp. Ban đang rà soát lại các điều khoản hợp đồng, đưa vào điều khoản trượt giá vật liệu để hỗ trợ nhà thầu. Sắp tới sẽ họp với các nhà thầu để lắng nghe vướng mắc và rút ngắn thủ tục, đảm bảo dòng tiền không bị tắc. Ban đang phấn đấu, đặt mục tiêu nâng tỉ lệ giải ngân lên 30% trong quý 2-2025.