Gen Z tẩn mẩn nặn gốm, chữa lành giữa lòng phố thị

Trái ngược với không gian ồn ã, vội vã của con phố chính, không gian tại xưởng làm gốm trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội lại mang đến cho người trải nghiệm sự yên bình, chữa lành và nguồn cảm hứng tự do sáng tạo.
Không deadline, không áp lực… tất cả những gì mà các bạn trẻ có mặt tại không gian trải nghiệm gốm thủ công giữa lòng Hà Nội. Người tập trung tạo hình chiếc cốc, chiếc bát từ đất sét, người lại tỉ mẩn vẽ trang trí cho sản phẩm của mình. Điều mà họ nhận lại là sự thoải mái, vui vẻ và chữa lành.
Sản phẩm độc bản có 1-0-2
Biết đến xưởng trải nghiệm gốm qua kênh TikTok, bạn Phạm Nhật Hà (Tây Hồ, Hà Nội) đã quyết định cùng ba người bạn dành thời gian "chữa lành".
"Điều mình thích nhất ở trải nghiệm này là được tự do sáng tạo nghệ thuật. Lần đầu thử làm gốm nên mình thấy khá khó, nhưng điểm cộng là các bạn nhân viên hướng dẫn chi tiết.
Cảm giác từ cục đất sét vô tri mà mình tự nhào nặn thành chiếc cốc theo sở thích rất thú vị, bản thân cũng được thư giãn sau một tuần làm việc, học tập", Nhật Hà chia sẻ.
Theo bạn Trịnh Khang, nhân viên xưởng gốm thủ công, mùa hè là dịp đông khách nhất, đặc biệt trong hai ngày cuối tuần. Người trải nghiệm cũng rất đa dạng từ người trẻ đến người lớn tuổi hoặc các gia đình có con nhỏ.
Khi đến xưởng gốm, người trải nghiệm được lựa chọn vẽ gốm trên các phôi sản phẩm có sẵn như cốc, bát, đĩa hoặc tự tay sáng tạo từ nặn tạo hình theo sở thích và vẽ trên chính sản phẩm đó.
"Các bạn có thể tìm các mẫu đồ gốm yêu thích trên mạng, đến đây chúng mình sẽ hướng dẫn để biến đất sét thành sản phẩm thô. Sau khi sấy khô, khách có thể vẽ lên sản phẩm bằng màu men được chuẩn bị sẵn. Tiếp đó, món đồ sẽ được chuyển đến lò nung ở Bát Tràng", Trịnh Khang nói.
Chữa lành chính mình
Dẫu biết sản phẩm thủ công luôn có sai số trong quá trình nung như nứt, mẻ hay vỡ nhưng điều khiến nặn gốm thu hút giới trẻ là hành trình tạo nên món đồ.
Chăm chú tạo hình cho chiếc cốc có 1-0-2, bạn Vũ Hương Lan (ngụ tại Hà Nội) chia sẻ bản thân mất hơn 1 tiếng để làm được chiếc bát ưng ý. Đó cũng là món quà Hương Lan dự định dành tặng sinh nhật của bạn thân.
"Hôm nay mình làm hai món đồ gồm một chiếc cốc có hình mặt trời và cây nhỏ bên trong, thứ hai là vẽ trang trí chiếc bát. Khi làm mình vừa được thả cảm xúc vào sản phẩm, vừa được tận hưởng quá trình nên khi bạn mình nhận được món quà này sẽ thấy ý nghĩa hơn bất cứ món quà nào có thể mua.
Trải nghiệm này cũng giúp mình tập trung vào hoạt động sáng tạo, qua đó quen đi áp lực công việc, deadline, giống như một cách xoa dịu tâm hồn", Hương Lan bộc bạch.
Sau khi vẽ hoa văn, tô men theo sở thích, sản phẩm thô sẽ được gửi lại xưởng để chuyển đến lò nung. Chi phí cho trải nghiệm độc đáo này dao động từ 150.000 - 600.000 đồng.