Dưỡng khí huyết giúp phụ nữ kéo dài thanh xuân

Cuốn sách lần lượt giới thiệu đến người đọc các kiến thức bổ ích liên quan đến: Điều hòa khí huyết nhằm nuôi dưỡng ngũ tạng; dưỡng khí, bổ huyết trong thời kỳ đặc biệt của phụ nữ; điều hòa khí huyết khi mắc các bệnh phụ khoa; dưỡng huyết ích khí, đả thông kinh lạc; dưỡng khí huyết thông qua thực phẩm; bổ sung khí huyết để nuôi dưỡng tử cung…
![]() |
Khí huyết dồi dào giúp phụ nữ có vẻ ngoài tươi trẻ hơn. Ảnh minh họa: M&C. |
Khi phụ nữ tụ tập, ngoài việc tâm sự một số chuyện gia đình hay chuyện bếp núc, chủ đề được nói đến nhiều nhất có lẽ là cách chăm sóc, duy trì sắc đẹp. Tất cả phụ nữ đều thích được khen “Dạo này trẻ thế nhỉ”. “Trẻ” đồng nghĩa với khí sắc tốt. Nếu khí sắc kém thì da mặt sẽ đen sạm, các nếp nhăn, nám, đồi mồi lộ rõ trên mặt.
Khí huyết ảnh hưởng đến khí sắc. Chỉ khi khí huyết lưu thông ổn định, cơ thể mới khỏe mạnh, khí sắc mới rạng rỡ, tràn đầy sức sống.
Từ khi bắt đầu dậy thì, mỗi tháng phụ nữ đều mất máu do lớp niêm mạc tử cung bong ra, gọi là hiện tượng kinh nguyệt. Ở độ tuổi 12-14, kinh nguyệt thường không đều, sau khoảng một, hai năm mới dần trở nên đều đặn hơn.
Bước sang tuổi 45, kinh nguyệt thưa dần rồi ngưng hẳn, chuyển sang thời kỳ mãn kinh. Theo thống kê, kinh nguyệt xuất hiện khoảng 30 năm trong cuộc đời phụ nữ, mỗi kỳ kinh nguyệt khiến phụ nữ mất khoảng 75ml máu.
Sau khi phụ nữ mang thai, máu trong cơ thể mẹ phải cung cấp cùng lúc cho cả hai người để đảm bảo thai nhi hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng. Đến cuối thai kỳ, lượng máu trong cơ thể mẹ sẽ tăng lên 50%.
Trong quá trình chuyển dạ bình thường, mẹ thường bị chảy máu tử cung khoảng 200ml. Trường hợp khó sinh, tử cung mất nhiều máu, nếu nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Vì vậy, việc sinh con đối với phụ nữ chẳng khác nào vượt qua “quỷ môn quan”.
Mặc dù sữa mẹ có màu trắng nhưng thực chất lại được chuyển hóa từ máu. Nhiều phụ nữ mới sinh con không đủ sữa, nguyên nhân chính là do khí huyết bị thiếu hụt.
Như vậy, kỳ kinh nguyệt, quá trình sinh nở và cho con bú của phụ nữ đều dựa vào khí huyết. Nếu bình thường không chú ý bổ sung khí huyết, phụ nữ sẽ dễ gặp tình trạng thiếu máu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sắc đẹp, điển hình là các triệu chứng như mất ngủ, hoa mắt chóng mặt, da tái nhợt, tóc xơ xác…
Không đủ khí huyết để nuôi dưỡng kinh lạc còn gây ra tình trạng da khô ráp, tay chân lạnh, kinh nguyệt không đều. Đông y đưa ra kim chỉ nam bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là “nam trọng khí, nữ trọng huyết” và “phụ nữ lấy huyết làm gốc”.
Vậy cần dưỡng huyết bổ huyết như thế nào?
Trước hết, phụ nữ chúng ta phải duy trì tâm thế lạc quan, vui vẻ, tinh thần thoải mái thì các cơ quan mới hoạt động tốt nhất và tạo ra nhiều máu hơn cho cơ thể.
Thứ hai, phụ nữ phải học cách ăn uống điều độ, đúng cách.
Mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, hãy uống một cốc nước ấm để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu của cơ thể, giúp máu lưu thông thuận lợi, tinh thần sảng khoái hơn. Hơn nữa, sau một đêm ngủ dài, lượng nước còn lại trong cơ thể không đủ để đào thải chất độc ra ngoài, vậy nên uống một cốc nước ấm sẽ giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.
Sau khi uống nước, hãy chọn món cháo cho bữa sáng. Có thể là cháo từ gạo trắng hoặc các loại ngũ cốc. Cháo mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ giúp cơ thể hấp thụ tốt mà còn giúp tỳ vị khỏe mạnh hơn.
Sau đây, tôi xin giới thiệu món cháo dưỡng huyết, dưỡng da rất hiệu quả.
Nguyên liệu bao gồm: 50g gạo nếp (nên chọn gạo nếp để phát huy công dụng tốt nhất), 10 quả táo đỏ, 10g kỷ tử và một lượng đường nâu vừa đủ.
Cách làm như sau: vo sạch gạo nếp, ngâm 4 ~ 6 tiếng. Đổ gạo vào xoong, đun sôi với lửa lớn, nấu khoảng 20 phút, sau đó cho kỷ tử và táo đỏ, ninh bằng lửa nhỏ trong 60 phút. Nấu xong, thêm một ít đường nâu, khuấy đều là có thể thưởng thức.
Ngoài ra, cháo gạo nếp cẩm cũng rất hữu hiệu đối với người bị suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt, da dẻ xanh xao. Với chức năng làm ẩm và phục hồi da, vào mùa đông khô hanh, bạn có thể ăn một lượng nếp cẩm thích hợp để bảo vệ làn da của mình.
Nhiều chị em thắc mắc tại sao đôi khi kinh nguyệt lại có màu nâu sẫm, thậm chí màu đen, vón cục, hoặc nguyên nhân gì khiến sắc mặt xám xịt, môi thâm, tím tái. Câu trả lời chính là do huyết ứ. Những người gặp tình trạng này nên ăn canh củ sen hầm xương heo.
Lưu ý: Phải hầm xương heo cho nhừ, thêm hai muỗng cà phê rượu gạo rồi cuối cùng mới cho củ sen thái lát vào. Để giữ được hương vị và dưỡng chất, nấu củ sen vừa chín tới là ngon nhất. Nếu củ sen bị hầm nhừ, công dụng bổ máu sẽ giảm đi đáng kể. Món canh này không chỉ thơm ngon mà quan trọng là nó có công dụng hoạt huyết.
Bên cạnh đó, phụ nữ cần duy trì nếp sống điều độ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Ngày ăn ba bữa, ăn uống khoa học, đúng giờ thì các nguyên liệu tạo máu trong cơ thể mới cân bằng được. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, nếu kiên trì thực hiện chúng hàng ngày, bạn sẽ khỏe đẹp một cách tự nhiên.