Dùng giảng viên AI để đào tạo hàng chục nghìn “kỹ sư 57” cho đất nước

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, cho biết 'kỹ sư 57' là những người đã có kiến thức về công nghệ, được bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số và được đào tạo bằng giảng viên AI.
Lần đầu tiên đưa ra khái niệm “kỹ sư 57”
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết mang tính nhất quán, xuyên suốt – từ khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho đến ngoại giao kinh tế. Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới – những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại.
Cũng bàn về vấn đề nhân lực, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT nhấn mạnh, Nghị quyết 57 là một cuộc cách mạng, mở ra những cơ hội to lớn cho quốc gia – đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và phát triển nhân lực.
“Tại FPT, chúng tôi mang bài toán chinh phục khoa học – công nghệ của đất nước và của doanh nghiệp đến với học sinh, sinh viên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi tốt nghiệp, các em có thể trở thành những nhà khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ, hoặc những nhà quản trị khoa học - công nghệ, được nuôi dưỡng từ tinh thần của Nghị quyết 57. Tôi tin rằng, đến năm 2045, Việt Nam sẽ có những nhà quản trị tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng một quốc gia phát triển dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ. Và đó là lý do Liên minh Nhân lực Chiến lược ra đời”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.
Để thực thi chiến lược nhân lực này, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT đã đưa ra khái niệm mới là “kỹ sư 57”. Ông Lê Trường Tùng giải thích, thực ra, cụm từ “KS57” chỉ là một nickname cho công việc mà đại học FPT đang triển khai. Tên gọi chính xác của chương trình là “Lực lượng dự bị chiến lược tham gia triển khai Nghị quyết 57 về chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”.
Trong thời gian tới, các hoạt động chuyển đổi số sẽ được triển khai đồng loạt, quyết liệt tại các bộ, ngành, địa phương và trong toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Khi đó, nhu cầu về nhân lực sẽ gia tăng nhanh chóng và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Lực lượng dự bị – chính là những sinh viên tham gia chương trình này – sẽ sẵn sàng đồng hành cùng lực lượng chủ lực có tên tuổi và kinh nghiệm để tham gia trực tiếp vào các dự án chuyển đổi số ở các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Dùng AI để đào “kỹ sư 57”
Ông Lê Trường Tùng cho biết tại Đại học FPT, chương trình sẽ được triển khai từ học kỳ 3. Trong những trường hợp cần thiết, sinh viên có thể tạm dừng việc học trong 1–2 học kỳ để tham gia các dự án thực tế cùng lực lượng chủ lực. Đây cũng là lý do chương trình này được thiết kế như một khóa học ngắn hạn và đây là một cuộc cách mạng toàn dân trong chuyển đổi số. Trong đó, sẽ hình thành một hệ thống gồm lực lượng chủ lực tại địa phương, và lực lượng dự bị cùng đồng hành – tương tự như thời kỳ kháng chiến giải phóng miền Nam, khi cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc.
“Lực lượng này không phải là kỹ sư công nghệ thông tin thông thường. Họ là những người đã có kiến thức về công nghệ, được bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số, để sau này có thể hỗ trợ một phần công việc trong cơ quan nhà nước, hoặc đồng hành cùng các lực lượng chuyên nghiệp trong ngành công nghệ thông tin triển khai các dự án chuyển đổi số. Khi địa phương có nhu cầu, các em sinh viên sẽ tham gia theo hình thức thực tập, được dẫn dắt và hướng dẫn trực tiếp bởi lực lượng chuyên trách. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các em sẽ quay trở lại trường, tiếp tục chương trình học chính quy”, ông Tùng nói.
Về cấu trúc, chương trình dự kiến gồm hai học phần chuyên sâu. Phần đào tạo đại trà sẽ được triển khai theo hình thức học trực tuyến, sử dụng nền tảng của đối tác chiến lược là Coursera, nhằm tận dụng tối đa chất lượng của các chương trình học online. Việc kiểm tra, đánh giá sẽ được thực hiện thông qua các bài tập lớn, có hệ thống chấm điểm, kèm theo chứng chỉ Coursera do Đại học FPT xác nhận. Đồng thời, sinh viên còn phải tham gia một kỳ kiểm định riêng để đảm bảo chất lượng. Đây là phương thức mà Đại học FPT vẫn đang áp dụng đối với nhiều khóa học khác nhằm đảm bảo tính nghiêm túc và chuẩn mực trong giáo dục.
Sau khi hoàn thành hai học phần chuyên sâu này, chương trình sẽ được triển khai thí điểm bằng cách cho sinh viên đăng ký tự nguyện, trước mắt áp dụng cho các sinh viên ngành Công nghệ thông tin từ học kỳ 3 trở lên, có kết quả học tập khá, giỏi trong học kỳ gần nhất.
Sinh viên được miễn phí tham gia, được cấp chứng chỉ, và đưa vào danh sách nguồn nhân lực chiến lược – sẵn sàng đáp ứng nhu cầu từ phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp khi cần thiết. Đây không chỉ là cơ hội học tập, mà còn mở ra nhiều cánh cửa nghề nghiệp cho các em, đặc biệt là cơ hội tham gia vào các dự án chuyển đổi số quốc gia.
Nội dung đào tạo được thiết kế xoay quanh hệ sinh thái chuyển đổi số, bao gồm các yếu tố Nhà nước, doanh nghiệp, kinh tế số, tài chính số và tiếp thị số. Nhóm năng lực cốt lõi sẽ hướng đến việc hình thành khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở tầm hệ thống – điều thiết yếu cho nguồn nhân lực trong tương lai. Toàn bộ các nội dung trên đã được cụ thể hóa thành bài giảng, có thể sẵn sàng triển khai cho số lượng lớn sinh viên của Đại học FPT.
“Đây là bước thử nghiệm ban đầu của Đại học FPT, trong đó AI được ứng dụng tối đa vào các công đoạn như xây dựng nội dung, thiết kế bài kiểm tra và sản xuất video. Toàn bộ quá trình đều tuân theo sự chỉ đạo của bộ phận chuyên môn, với mục tiêu làm chủ công nghệ để AI thực hiện đúng theo yêu cầu, thay thế những công việc thủ công tốn nhiều thời gian trước đây”, ông Lê Trường Tùng nói.