Dùng điều hòa kiểu này, đột quỵ có thể ập đến bất cứ lúc nào

Theo cảnh báo của chuyên gia, việc dùng điều hoà sai cách có thể làm mạch máu co lại đột ngột, dễ dẫn đến tăng huyết áp, thậm chí đột quỵ.
Điều hòa không khí đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định, giúp tạo môi trường sống và làm việc dễ chịu, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Ngoài việc làm mát, một số loại điều hòa còn có chức năng lọc không khí, loại bỏ bụi mịn, vi khuẩn và nấm mốc, góp phần bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp. Với trẻ nhỏ, người già hoặc người có bệnh nền, điều hòa giúp giảm nguy cơ sốc nhiệt và kiệt sức do nắng nóng.
Tuy nhiên, cần sử dụng điều hòa đúng cách để tránh tác dụng ngược như khô da, viêm đường hô hấp hoặc đột quỵ do lạnh sâu.
Sai lầm khi dùng điều hòa có thể dẫn tới đột quỵ
TS.BS Nguyễn Thế Anh – Trưởng Đơn nguyên Đột quỵ, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, các chuyên gia y học môi trường khuyến cáo người dân không nên để điều hòa ở mức nhiệt quá thấp. Đây là sai lầm khi sử dụng điều hoà có thể khiến cho đột quỵ ập tới bất cứ lúc nào, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như người bị tăng huyết áp, người mắc bệnh tim mạch, người cao tuổi,…
Việc dùng điều hòa ở mức nhiệt quá thấp có thể làm mạch máu co lại đột ngột, dễ dẫn đến tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo đó, nhiệt độ trong phòng điều hòa nên duy trì ở mức 25–26 độ C để tránh chênh lệch quá lớn với môi trường bên ngoài, giảm nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ và ảnh hưởng đến hệ hô hấp, TS.BS Nguyễn Thế Anh lưu ý.
Theo TS.BS Nguyễn Thế Anh, để an toàn khi sử dụng điều hoà, ngoài việc không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp, mọi người cần lưu ý “3 không” sau đây:
- Không vào phòng điều hòa ngay sau khi ở ngoài trời nắng nóng: Cần có bước đệm làm mát cơ thể bằng cách nghỉ ở nơi thoáng khí, sử dụng quạt trước khi chuyển vào phòng có điều hòa.
- Không để điều hòa hoạt động liên tục: Nên tắt máy sau khoảng 2–3 tiếng sử dụng, mở cửa phòng để không khí được lưu thông, tránh tình trạng tích tụ vi khuẩn, nấm mốc.
- Không để luồng gió điều hòa thổi trực tiếp vào mặt hoặc cơ thể: Việc này dễ dẫn đến viêm đường hô hấp, viêm xoang, hoặc thậm chí liệt dây thần kinh số VII (liệt mặt).
Ngoài ra, điều hòa sử dụng lâu ngày thường tích tụ bụi, nấm, vi khuẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên. Khi bật máy, những tác nhân này phát tán vào không khí, gây viêm mũi, viêm phổi, dị ứng. Do đó, theo TS.BS Nguyễn Thế Anh, mọi người cần lưu ý vệ sinh lưới lọc 1–2 tháng/lần, bảo trì máy định kỳ 3–6 tháng/lần.
Chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng
Để phòng ngừa các tác động tiêu cực do nắng nóng, TS.BS Nguyễn Thế Anh khuyến cáo người dân:
- Uống đủ nước, bổ sung điện giải khi làm việc hoặc vận động ngoài trời.
- Mặc quần áo thoáng mát, đội mũ rộng vành, tránh ra ngoài trong giờ cao điểm nắng gắt (từ 11h–15h).
- Tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, theo dõi sức khỏe nếu có bệnh nền.
- Không chủ quan trước các dấu hiệu như hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi kéo dài – đây có thể là biểu hiện ban đầu của sốc nhiệt hoặc đột quỵ.
“Mùa hè không chỉ là mùa của cái nóng, mà còn là mùa dễ khiến người ta chủ quan với những dấu hiệu bất thường. Cẩn trọng và hiểu đúng về sức khỏe là cách tốt nhất để bảo vệ chính mình và người thân”, TS.BS Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia đột quỵ cũng lưu ý vào những ngày nắng nóng, khi thấy cơ thể có những bất thường cần đi khám để xác định nguyên nhân và có cách điều trị hiệu quả.