Australia lần đầu phóng tên lửa HIMARS trong tập trận với Mỹ

(Dân trí) - Australia đã lần đầu tiên sử dụng hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS trong một cuộc tập trận chung với Mỹ và Singapore, diễn ra tại bang Queensland vào ngày 14/7.
Đây là một phần trong cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất của Australia mang tên “Talisman Sabre”, với sự tham gia của khoảng 40.000 binh sĩ đến từ 19 quốc gia.
Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội Australia trước bối cảnh an ninh khu vực đang thay đổi.
Hệ thống HIMARS, tên lửa tầm xa gắn trên xe tải có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 400 km, đang ngày càng được các đồng minh của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan tâm. Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine và những biến động chiến lược trong khu vực, loại vũ khí này được đánh giá là một phần quan trọng trong chiến lược răn đe.
Buổi diễn tập bắn đạn thật có sự tham gia của các lực lượng đến từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và Singapore, kết hợp giữa máy bay chiến đấu tàng hình F-35B và các loại tên lửa tầm xa từ mặt đất.
Chuẩn tướng Nick Wilson, đại diện Lục quân Australia, cho biết đây là lần đầu tiên HIMARS được khai hỏa trên lãnh thổ Australia và cũng là lần đầu nước này cùng Mỹ và Singapore vận hành hệ thống này trong một kịch bản thực tế.
Ông nhấn mạnh, HIMARS sẽ được tích hợp với các nền tảng vũ khí khác nhằm duy trì chiến lược ngăn chặn, bảo vệ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Australia từng tuyên bố, các đơn vị trang bị HIMARS có thể được triển khai nhanh tới các đảo có ký kết hiệp định quốc phòng trong khu vực, nhằm bảo vệ vùng tiếp cận phía Bắc trong trường hợp khủng hoảng quân sự xảy ra.
Hồi tháng 4, tập đoàn Lockheed Martin đã bàn giao 2 trong tổng số 42 bệ phóng HIMARS theo đơn đặt hàng của Canberra. Trong vòng 10 năm tới, Australia dự kiến chi khoảng 74 tỷ AUD (tương đương 49 tỷ USD) để đầu tư vào chương trình tên lửa, bao gồm cả việc phát triển năng lực sản xuất trong nước.
Phát biểu trước báo giới, Trung tướng Joel Vowell, Phó Tư lệnh Lục quân Mỹ phụ trách khu vực Thái Bình Dương, cho biết việc tập trận chung với các đối tác trong khu vực không chỉ nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, mà còn là một cơ chế răn đe quan trọng.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là hòa bình, không phải chiến tranh”, ông nói.