Nhảy đến nội dung

'Đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển'

Đây là một trong số các thông điệp từ bài diễn văn chào mừng khai mạc của Chủ tịch nước Lương Cường tại Đại lễ Vesak 2025 diễn ra vào sáng 6-5 tại TP.HCM.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 càng có ý nghĩa khi tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.

Tại lễ khai mạc, thông điệp Phật đản Vesak từ Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng và từ Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres được gửi đến phật tử và người dân. Cùng với đó là thông điệp chúc mừng đến từ các nước Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào...

Phật giáo Việt Nam hộ quốc an dân

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch nước Lương Cường hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề đại lễ.

Ông nhận định đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội.

Chủ tịch nước nói: "Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần "hộ quốc an dân", đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc.

Hàng vạn tăng ni, phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Chủ tịch nước bày tỏ: "Đức Phật dạy hòa bình thật sự đến từ nội tâm thanh tịnh, vì vậy chỉ có vun đắp hòa bình thông qua sự chuyển hóa niềm tin của từng cá nhân, từ đó dẫn đến chuyển hóa niềm tin của toàn xã hội".

Ông đề nghị cần đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng.

Người con Phật khắp thế giới đoàn kết, hòa ái

Trong thông điệp đại lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng tán thán diễm phúc được cung thỉnh, chiêm bái xá lợi Đức Phật - là kết tinh của tinh thần bi - trí - dũng, là hiện thân của hạnh nguyện vô ngã vị tha.

Đồng thời có đủ nhân duyên cung rước, đảnh lễ trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức - biểu tượng cho sự hy sinh cao cả vì hạnh phúc của dân tộc, vì trường tồn của Phật pháp.

Ông cũng cảm ơn những bài tham luận góp phần làm cho những lời dạy của Đức Phật trở nên trong sáng và hiện thực hơn trong thế giới đầy biến động và hận thù như ngày hôm nay.

Hòa thượng kêu gọi mỗi người con Phật luôn tinh tấn tu tập, thể nhập từ bi tam muội, lan tỏa tình yêu thương đến chúng sanh vạn loại, thắp sáng thế gian này bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ, đoàn kết, hòa ái và tích cực cùng nhân loại kiến tạo thế giới thái bình, an lạc thực sự.

Tham dự Đại lễ Vesak, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka phát biểu tại lễ khai mạc khen ngợi Việt Nam là quốc gia dù hứng chịu nhiều bất công nặng nề của lịch sử nhưng đã tự mình mở ra con đường đi lên đầy dũng cảm.

Ông Anura Kumara Dissanayaka chia sẻ: "Chúng tôi tự hào về những thành tựu to lớn mà đất nước các bạn đã đạt được. Tôi xin gọi đất nước của các bạn là vùng đất của sự kiên cường. Tôi cũng tự hào khi Việt Nam được chọn làm nước đăng cai Vesak năm nay.

Bình đẳng chiếm vị trí cao trong những lời dạy căn bản của Phật giáo. Dựa trên tinh thần đó, Việt Nam có thể được xem là nhân chứng sống về một quốc gia đã dũng cảm vươn lên nhờ tư tưởng bình đẳng".

Bộ trưởng Các vấn đề nghị viện và vấn đề thiểu số Ấn Độ Kiren Rijiju, thay mặt Thủ tướng Narendra Modi, đọc thông điệp chúc mừng và nhấn mạnh: "Tứ diệu đế và Bát chánh đạo do Đức Phật giảng dạy đã để lại dấu ấn trường tồn trong tư tưởng tâm linh không chỉ tại Ấn Độ mà còn lan tỏa khắp thế giới.

Những lời dạy vượt thời gian của Đức Phật mở ra những tuệ giác sâu sắc và các giải pháp cho nhiều thách thức cấp bách mà thế giới hiện nay đang đối mặt - từ chiến tranh, bạo lực, bất ổn xã hội cho đến biến đổi khí hậu. Con đường Đức Phật chỉ dạy chính là từ bi thay vì xung đột, hòa hợp thay vì chia rẽ, và sống chánh niệm bền vững thay vì tiêu dùng vô độ".