Dự án đường liên kết vùng miền Trung tắc vì vướng mặt bằng

Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam (cũ) đang trong quá trình thi công cải tạo, nâng cấp nhưng do vướng mặt bằng khiến công trình chậm tiến độ, nhiều đoạn thi công dang dở đã làm khó người dân…
ĐÃ CHẬM, LẠI SỢ "TREO"
Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam (cũ) có tổng mức đầu tư 768 tỉ đồng, đi qua các huyện, thành phố gồm Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam cũ. Tuyến đường có điểm đầu tại nút giao với đường Thanh Niên ven biển (ĐT613B) tại xã Bình Nam (H.Thăng Bình cũ, nay là xã Thăng Trường, TP.Đà Nẵng), điểm cuối tại TT.Trà My (H.Bắc Trà My cũ, nay là xã Trà My, TP.Đà Nẵng). Tổng chiều dài đầu tư xây dựng toàn tuyến gần 32 km, khởi công vào tháng 7.2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 11.2025, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cũ làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Tổng công ty Thăng Long - CTCP.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây nguyên, thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum cũ, nay là tỉnh Quảng Ngãi mới) sang Lào, tạo đường nối thông suốt với cảng biển Kỳ Hà, cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất theo chủ trương "kết nối ASEAN".
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau gần 2 năm khởi công, dự án đang bị chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. Trên toàn tuyến, nhiều đoạn đã được nhà thầu tổ chức thi công thảm nhựa, nhưng một số đoạn khác thì đào lên nhưng chưa thể thi công. Nhiều "ổ voi", "ổ gà" xuất hiện ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình lưu thông và đời sống của các hộ dân sống trong vùng dự án.
Trong khi đó, đang nảy sinh tâm lý lo ngại về nguy cơ dự án sẽ bị "treo" khi sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thanh Hứa (70 tuổi, ở xã Tiên Phong, H.Tiên Phước, nay là xã Tài Đa, TP.Đà Nẵng) nói: "Bây giờ, sống cạnh dự án đang thi công dở, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Khởi công thì làm rầm rộ, nhưng thi công lại chậm chạp. Nếu sáp nhập tỉnh, chẳng biết dự án có còn được tiếp tục ưu tiên để triển khai hay không nữa…".
Nhiều người khác không muốn xảy ra tình trạng thay đổi địa giới hành chính sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện thì tạm dừng những dự án trọng điểm. "Nếu chỉ vì chuyện sáp nhập mà dự án không được triển khai nữa thì lãng phí vô cùng. Chúng tôi mong các đơn vị liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ dự án để đưa vào sử dụng. Hiện nay, những khu vực đào lên nhưng chưa được thi công đã xuất hiện tình trạng nắng bụi, mưa lầy", anh Nguyễn Văn Khánh (42 tuổi, ở xã Tài Đa) nói.
THÁO GỠ TỪNG NÚT THẮT
Ông Võ Xuân Anh, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong (cũ), thừa nhận dự án đi qua địa phương thi công chậm đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. "Xã yêu cầu đơn vị thi công tưới nước thường xuyên để hạn chế bụi. Công tác giải phóng mặt bằng qua địa bàn xã đạt được khoảng 90%, hiện còn một số hộ vướng điều chỉnh tuyến nên chưa bàn giao", ông Võ Xuân Anh nói.
Đại diện Tổng công ty Thăng Long cho hay tính đến tháng 4.2025, đơn vị mới nhận được bàn giao khoảng 50% mặt bằng. Đáng chú ý, tại H.Tiên Phước (cũ), nơi có 21 km đường ngang qua, công tác bàn giao mặt bằng khá "nhỏ giọt". Nhà thầu thừa nhận tình trạng thi công dự án khiến nhà cửa của một số hộ dân bị nứt là không thể tránh khỏi nên đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm kê hiện trạng để có phương án hỗ trợ, bồi thường phù hợp.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Phước Sơn, khi còn giữ chức Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (nay giữ chức Bí thư xã Quế Sơn Trung, TP.Đà Nẵng), cũng nhìn nhận tiến độ dự án chậm là điều không mong muốn, hiện chủ đầu tư đang nỗ lực tháo gỡ từng "nút thắt". Hiện dự án đã được gia hạn tiến độ đến tháng 12.2027 để có thêm thời gian xử lý các vấn đề tồn đọng, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, theo ông Sơn, mưa liên tục cũng đã khiến khối lượng công việc bị dồn ứ. "Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, chúng tôi yêu cầu nhà thầu huy động mọi lực lượng tăng tốc thi công ở những khu vực đã bàn giao mặt bằng. Tinh thần là không để mặt bằng "nằm chờ", mà phải tận dụng tối đa thời gian và thời tiết", ông Sơn nói.
Trước mối lo của người dân về nguy cơ dự án bị "treo" khi sáp nhập tỉnh, bỏ huyện, ông Nguyễn Phước Sơn khẳng định chủ trương sáp nhập có thể tác động đến nhiều mặt, nhưng các dự án trọng điểm thì chắc chắn vẫn được triển khai, trong đó có dự án liên kết vùng miền Trung. "Chúng tôi đang đôn đốc quyết liệt, phối hợp với địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Mục tiêu cuối cùng là sớm hoàn thiện, đưa vào phục vụ bà con", ông Sơn thông tin.