Bỏ hoang chợ tiền tỉ

Đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng, nhưng một số điểm thương mại dịch vụ và khu chợ ở tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì người dân cho rằng giá đấu lô quầy quá cao.
Ế ẨM CHỢ TIỀN TỈ
Cách trụ sở UBND xã Hải Sơn (H.Hải Lăng, Quảng Trị, từ ngày 1.7 là xã Nam Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chỉ khoảng 200 m, lại có vị trí thuận lợi, nhưng công trình Điểm thương mại dịch vụ xã Hải Sơn sau 2 năm hoàn thiện vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Điểm thương mại dịch vụ xã Hải Sơn được đầu tư 4 tỉ đồng, bắt đầu xây dựng từ năm 2021, hoàn thiện vào năm 2023 trên khu đất có diện tích hơn 5.000 m2. Công trình gồm đình chính rộng 444 m2, đình chợ cá rộng 112 m2, sân bê tông rộng 351 m2 và có đủ các công trình vệ sinh công cộng.
Ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn (cũ), cho biết sau khi hoàn thiện xây dựng, địa phương đã tổ chức cho các tiểu thương đấu giá lô quầy nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ vì giá cao. "Mức giá đưa ra ban đầu là gần 40 triệu đồng/5 năm cho lô quầy ở đình chợ chính và 16 - 17 triệu đồng/5 năm cho lô quầy ở đình chợ phụ. Các tiểu thương cho rằng đây là mức giá khá cao so với các khu chợ khác nên không ai tham gia đăng ký hồ sơ", ông Huân nói.
Bỏ hoang 2 năm nên một số hạng mục của công trình đã bị xuống cấp, con đường từ trục đường chính của xã dẫn vào Điểm thương mại dịch vụ xã Hải Sơn vẫn còn khoảng 200 m chưa được đổ bê tông. UBND xã Hải Sơn đã có văn bản gửi UBND H.Hải Lăng nhằm tìm phương án để thu hút các tiểu thương.
TÌM CÁCH THU HÚT TIỂU THƯƠNG
Ngoài việc giá đấu lô quầy quá cao, một số lý do khác khiến Điểm thương mại dịch vụ xã Hải Sơn không thu hút được tiểu thương do từ trước đến nay việc buôn bán các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn xã được bán ở các chợ Mỹ Chánh, Hải Tân cách xã chỉ khoảng 1 km. Mặt khác, các tiểu thương đã có thói quen và ổn định lượng khách hàng tại các khu chợ vừa kể.
"Trước đây, chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND H.Hải Lăng cho phép xã có phương án giao lô quầy tại Điểm thương mại dịch vụ xã Hải Sơn không qua đấu giá và không thu tiền sử dụng lô quầy trong 3 năm", ông Lê Văn Huân nói. Nếu áp dụng được cách làm trên, trước mắt sẽ thu hút được các tiểu thương về kinh doanh, buôn bán. Sau khi đã hình thành tập quán giao thương, nhiều người dân biết đến… thì địa phương sẽ áp dụng đấu giá cho thuê quyền sử dụng lô quầy.
Tại H.Cam Lộ (Quảng Trị), nay là xã Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, chợ Cam Nghĩa được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 4,2 tỉ đồng vào năm 2021 và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Trong quá trình thi công, do nhiều nguyên nhân khách quan nên nguồn vốn đầu tư của chợ phải chia nhỏ ra 3 giai đoạn, do đó chủ đầu tư buộc phải kéo dài thời hạn hoàn thành.
Ông Trần Hoài Linh, Phó chủ tịch UBND H.Cam Lộ (cũ), cho biết địa phương đã giải quyết dứt điểm trong quá trình đầu tư xây dựng chợ Cam Nghĩa và bàn giao cho địa phương. UBND huyện cũng đã nhiều lần yêu cầu UBND xã Cam Nghĩa khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, phương án đấu giá lô quầy để chợ sớm đi vào hoạt động. Nhưng sau đó, khu chợ này lại gặp một vướng mắc khác: đấu giá lô quầy. Chợ bố trí 66 lô quầy, đưa ra mức giá từ 800.000 đồng - 1,1 triệu đồng/tháng tùy theo các khu vực, thời hạn cho thuê 10 năm. Phương án này hiện vẫn chưa được phê duyệt và phải điều chỉnh để phù hợp với mô hình chợ nông thôn (buôn bán 1 buổi/ngày) cũng như điều kiện kinh tế của người dân.
Người dân hy vọng, từ ngày 1.7.2025, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, với tinh thần trách nhiệm cao, tình trạng trên sẽ được các địa phương thuộc tỉnh Quảng Trị tháo gỡ, xử lý vướng mắc, để các công trình phát huy tác dụng, phục vụ đời sống nhân dân.