Ấn Độ đã không cần vay Ngân hàng Thế giới suốt ba năm qua?

Mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng Ấn Độ đã ngừng vay Ngân hàng Thế giới (WB) trong ba năm qua và kinh tế nước này tăng trưởng mạnh dưới thời Thủ tướng Modi, với sự "chứng thực" từ Morgan Stanley.
Các bài đăng lan truyền khẳng định rằng dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ không vay bất kỳ khoản nào từ Ngân hàng Thế giới (WB) trong ba năm qua, đồng thời cho rằng kinh tế nước này tăng trưởng vượt bậc nhờ sự lãnh đạo của ông Modi.
Để tăng độ tin cậy, các bài viết còn gán cho Morgan Stanley vai trò hậu thuẫn, cho rằng tập đoàn tài chính lớn của Mỹ này đã đưa ra các đánh giá tích cực như trên.
Tuy nhiên chuyên trang kiểm chứng Factly ngày 1-7 cho biết các thông tin này sai sự thật. Tập đoàn Morgan Stanley chưa từng công bố báo cáo nào khẳng định chính phủ ông Modi ngừng vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Dữ liệu từ chính Ngân hàng Thế giới và các tài liệu chính thức trình Quốc hội Ấn Độ cho thấy nước này vẫn liên tục vay vốn từ năm tài khóa 2014 đến nay (2025-2026).
Một ví dụ gần đây là khoản vay dành cho dự án "MPOWER - Tăng cường phúc lợi, trao quyền và khả năng phục hồi cho thanh thiếu niên tại bang Meghalaya".
Các khoản vay của Ấn Độ được thực hiện qua hai nhánh chính của Ngân hàng Thế giới là IBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế), và IDA (Hiệp hội Phát triển quốc tế), phục vụ nhiều dự án cấp trung ương và cấp bang.
Ngoài thông tin trên, các bài đăng còn lan truyền việc ông lớn Morgan Stanley tuyên bố Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế 6.000 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.
Factly xác nhận thông tin này có thật, và nó nằm trong báo cáo có tên "India's Digital Leap: The Multi-Trillion-Dollar Opportunity" công bố năm 2017.
Tuy nhiên, các thông tin lan truyền như "Ấn Độ tăng trưởng vượt bậc nhờ ông Modi" được gán cho tạp chí Forbes, hay "tăng 31 bậc, xếp hạng 40 về tăng trưởng kinh tế trong 137 quốc gia", đều thiếu cơ sở xác thực.
Cụ thể, tuyên bố "Ấn Độ tăng 31 bậc lên vị trí 40" dựa trên Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, vốn đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia, không phản ánh tăng trưởng kinh tế.
Thứ hạng của Ấn Độ trong chỉ số này giảm xuống hạng 58 năm 2018 và 68 năm 2019; bảng xếp hạng bị tạm dừng từ năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Trang kiểm chứng Factly năm 2021 cũng từng bác bỏ những nội dung sai lệch tương tự liên quan đến kinh tế Ấn Độ.
Nhìn chung, dù các phát ngôn được gán cho Morgan Stanley là bịa đặt, tập đoàn tài chính này vẫn duy trì đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Ấn Độ.
Theo các báo cáo công bố ngày 1-7, Ủy ban Đầu tư toàn cầu (GIC) của Morgan Stanley dự báo Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2025 và 2026, với GDP thực lần lượt đạt 5,9% và 6,4%.