Nhảy đến nội dung
 

Diễu binh và hoạt động nghệ thuật đường phố TP.HCM ngày 29 và 30-4 ở tuyến đường nào?

Ngày 29 và 30-4, nhiều hoạt động đường phố sôi nổi hưởng ứng lễ kỷ niệm như xiếc, ảo thuật, hát bội, võ thuật, nhạc kèn, thuyền hoa trên sông Sài Gòn, trình diễn thuyền buồm sailing, trình diễn 10.500 drone...

Chiều 14-4, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ UBND TP.HCM lần thứ 2, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - đã có tham luận về tiến độ thực hiện các hoạt động chào mừng kỷ niệm và tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).

Thêm 4 khu khán đài cho người dân đến tham dự lễ diễu binh, diễu hành

TP.HCM sẽ quan tâm bố trí các điều kiện tối đa để người dân tham gia các hoạt động chào mừng lễ. 

Với lễ diễu binh, diễu hành, TP.HCM sẽ ứng dụng công nghệ LED, bố trí hệ thống màn hình, kết hợp công nghệ thực tế ảo, video art, 3D… minh họa hình ảnh tư liệu, đồ họa trình chiếu.

Đồng thời, TP.HCM bố trí màn hình LED và loa phóng thanh trên các tuyến đường chính, khu vực tập trung đông người để người dân theo dõi buổi lễ kỷ niệm, diễu binh diễu hành. 

Bên cạnh đó, lắp dựng 22 màn hình LED tại các quận huyện, TP Thủ Đức và huy động màn hình LED quảng cáo thương mại để đồng loạt truyền hình trực tiếp.

Bà Thúy cũng cho biết TP.HCM chú trọng các hoạt động văn hóa - văn nghệ như phát động cuộc vận động sáng tác chủ đề Thành phố Hồ Chí Minh - 50 năm tự hào bản anh hùng ca, thu hút đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia. Phối hợp với các bộ ngành thực hiện các cầu truyền hình và chương trình nghệ thuật.

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cũng thông tin khán đài xem diễu binh, diễu hành sẽ được mở rộng hơn để tăng số lượng khách mời. Bên cạnh đó, sẽ lập thêm 4 khu khán đài với 1.044 chỗ ngồi cho người dân đến tham dự lễ diễu binh, diễu hành.

Ngoài ra, TP.HCM dự kiến chào đón 190 đại biểu ngoại giao từ các nước phương Tây và một số nước ở châu Mỹ Latin đã ủng hộ Cách mạng Việt Nam, đại biểu chính khách Hoa Kỳ có ảnh hưởng và đóng góp cho quan hệ hai nước tham dự lễ kỷ niệm.

Xác lập kỷ lục trình diễn 10.500 drone

Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, theo bà Thúy, TP.HCM đang lên kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng. Các hoạt động diễn ra vào các tối thứ bảy từ ngày 19-4 và 26-4.

Riêng ngày 29-4 và 30-4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực bến Bạch Đằng sẽ có các hoạt động biểu diễn văn nghệ đường phố như xiếc, ảo thuật, hát bội, võ thuật, nhạc kèn, thuyền hoa trên sông Sài Gòn, diễu hành tàu du lịch, đờn ca tài tử trên sông Sài Gòn, các chương trình thể thao dưới nước, trình diễn thuyền buồm sailing, trình diễn bay bằng phản lực nước, lướt ván flyboard và dù lượn… 

Đặc biệt, sẽ có màn trình diễn 10.500 drone (thiết bị bay không người lái). Ban tổ chức lập hồ sơ đề xuất xác lập kỷ lục Việt Nam về số lượng thiết bị bay không người lái nhiều nhất tại một thời điểm.

TP.HCM dự kiến tổ chức bắn pháo hoa tại 7 điểm chính gồm: khu vực đầu hầm sông Sài Gòn, TP Thủ Đức; khu đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, huyện Củ Chi; khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn; khu di tích Láng Le - Bàu Cò, huyện Bình Chánh; sân bóng đá huyện Cần Giờ; công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc; công viên văn hóa Đầm Sen.

Ngoài 7 điểm bắn pháo hoa dự kiến nêu trên, Bộ Tư lệnh TP.HCM đang vận động các quận huyện và các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa bắn pháo hoa tại địa phương.