Diễn biến mới vụ Ấn Độ phản đối đấu giá di vật của Đức Phật

TPO - Bộ Văn hóa Ấn Độ đã gửi văn bản phản đối nhà đấu giá Sotheby's tại Hong Kong (Trung Quốc) bán bộ sưu tập đá quý liên quan đến di vật của Đức Phật. Phía Ấn Độ cho rằng cuộc đấu giá vi phạm luật pháp quốc gia và quốc tế, yêu cầu các di vật này phải được trả lại Ấn Độ.
Bộ Văn hóa Ấn Độ vừa gửi thông báo pháp lý để phản đối nhà đấu giá Sotheby's tại Hong Kong (Trung Quốc) bán bộ sưu tập liên quan đến di vật của Đức Phật. Bộ sưu tập gần 1.800 món đồ được mô tả trên trang chủ của nhà đấu giá là đá quý Piprahwa của Đức Phật, thuộc đế chế Maurya, thời Ashoka.
Các mặt hàng dự kiến được bán đấu giá vào 7/5, ước tính giá trị khoảng 100 triệu HKD.
![]() |
Bộ đá quý được khai quật năm 1898. Ảnh: Sotheby's. |
Theo NDTV, bộ đá quý mà Sotheby's đấu giá gồm ngọc trai, hồng ngọc, ngọc bích, topaz, garnet, san hô, thạch anh tím... Đây là những món đồ được phát hiện cùng với các mảnh xương được cho là của Đức Phật. Bộ đá quý được tìm thấy từ một bảo tháp ở Piprahwa, gần nơi sinh của Đức Phật.
Năm 1898, kỹ sư người Anh William Claxton Peppe khai quật bộ đá quý này sau đó để lại cho hậu duệ của ông.
Phản hồi văn bản của Bộ Văn hóa Ấn Độ, tối 7/5 (theo giờ địa phương), Sotheby's tuyên bố hoãn phiên đấu giá để tạo điều kiện thảo luận thêm giữa các bên.
Trước đó, Bộ Văn hóa Ấn Độ khẳng định đã thu thập thông tin về cuộc đấu giá và đưa ra thông báo pháp lý cho Sotheby's. "Bộ Văn hóa cho rằng cuộc đấu giá vi phạm luật pháp quốc gia và quốc tế, cùng các công ước của Liên Hợp Quốc. Bộ yêu cầu các di vật này phải được trả lại Ấn Độ để bảo tồn", NDTV đưa tin.
Phía Ấn Độ chỉ trích hậu duệ của kỹ sư Peppe vì “không có thẩm quyền” để bán các di vật này, đồng thời cáo buộc nhà đấu giá Sotheby’s đã tiếp tay cho việc khai thác thuộc địa kéo dài.
![]() |
Xá lợi Đức Phật được khai quật vào ngày 18/1/1898 tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. |
Văn bản từ Bộ Văn hóa Ấn Độ kết luận cuộc đấu giá xúc phạm đến đức tin của hơn 500 triệu Phật tử trên toàn thế giới, vi phạm đạo đức và phá vỡ truyền thống tâm linh.
Nicolas Chow - Chủ tịch của Sotheby's châu Á - từng gọi bộ sưu tập đá quý là một trong những khám phá khảo cổ phi thường nhất mọi thời đại. Nhà đấu giá mô tả việc chào bán di vật có ý nghĩa quan trọng tôn giáo, khảo cổ học và lịch sử.