Đề xuất kéo dài tuổi hưu đến 70, bác sĩ nói người trên 60 tuổi mắc 2-5 bệnh, chuyên gia nói gì?

Từ kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 70 tuổi đối với lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, cố vấn. Các chuyên gia nói gì?
Tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) Bộ Nội vụ cho biết nhiều quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu 60-65 tuổi, song với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia có thể kéo dài đến 75 tuổi.
Ngoài ra, những công chức nghỉ hưu sớm phải đảm bảo đủ số năm công tác, có nhu cầu nghỉ sớm để kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái…
Kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi với chuyên gia, cố vấn
"Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi", Bộ Nội vụ đề xuất.
Ví dụ tại Trung Quốc, công chức nghỉ hưu khi đến tuổi nghỉ theo quy định hoặc mất hoàn toàn khả năng lao động.
Có nhiều trường hợp nghỉ hưu trước tuổi như làm việc ít nhất 30 năm hoặc cách tuổi nghỉ hưu theo quy định dưới 5 năm và làm đủ 20 năm.
Công chức hành chính ở Nhật Bản nghỉ hưu từ 60 tuổi. Đối với các vị trí đặc thù, khó bổ sung nhân sự, tuổi nghỉ hưu hơn 60 tuổi nhưng không được quá 65 tuổi.
Công chức bảo vệ tòa nhà Chính phủ và nhân viên kỹ thuật là 63 tuổi. Nhân viên y tế nghỉ hưu ở tuổi 65.
Các quy định này không áp dụng với công chức tạm thời, công chức được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ và công chức làm việc bán thời gian.
Tại Thái Lan, công chức nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi. Các vị trí kỹ thuật hoặc đòi hỏi kỹ năng cá nhân có thể tiếp tục phục vụ Chính phủ tới 70 tuổi.
Trong khi đó, công chức ở Pháp nghỉ hưu ở tuổi 67 và có thể kéo dài đến 70 hoặc 75 tuổi.
Người trên 60 tuổi mắc 2-3 bệnh, trên 70 tuổi mắc 4-5 bệnh, nên cân nhắc
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Trung Anh - giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương - cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 70 đối với một số trường hợp cần được tính toán kỹ.
Theo một số nghiên cứu, người cao tuổi trên 60 tuổi trung bình mắc khoảng 2-3 bệnh lý. Người cao tuổi trên 70 tuổi mắc khoảng 4-5 bệnh lý.
Mặc dù tuổi thọ trung bình là 74 tuổi, nhưng người cao tuổi ở Việt Nam có khoảng 10 - 14 năm sống chung với bệnh tật.
“Về mặt sinh học, không phải người cao tuổi nào cũng có đủ minh mẫn ở tuổi 70. Bên cạnh đó là những bệnh lý của người cao tuổi như vấn đề xương khớp, huyết áp, tiểu đường.
Tại một số nước châu Âu, sức khỏe người cao tuổi khá tốt nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn chỉ ở mức 65 tuổi.
Tại Việt Nam, với sức khỏe người cao tuổi như hiện nay rất khó để tăng tuổi nghỉ hưu đến 70. Họ không đủ sức khỏe để làm việc đến độ tuổi này”, ông Trung Anh nhận định.
Với một số ngành nghề, lĩnh vực cần đến những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm như chính trị, y khoa, kỹ thuật cao, Việt Nam có thể cân nhắc tuổi hưu lên 70 tuổi trên tinh thần tự nguyện cống hiến, đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, họ cần được đánh giá kỹ về mặt sức khỏe trước khi làm việc, đảm bảo đủ minh mẫn, nền tảng sức khỏe.
“Với sức khỏe của người cao tuổi hiện nay, có thể nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi. Trong khoảng 20 năm nữa, khi sức khỏe người cao tuổi cải thiện hơn thì mới cân nhắc tiếp tục nâng tuổi hưu”, ông Trung Anh đề xuất.
GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân - cho biết khi đối mặt với già hóa dân số, các quốc gia đều tận dụng nguồn lực từ người nghỉ hưu có trình độ cao, có kinh nghiệm, hàm lượng chất xám cao đóng góp cho nền kinh tế.
Thực tế, nhiều giảng viên ở Đại học Kinh tế quốc dân đã 68, 70 tuổi vẫn làm việc, nghiên cứu khoa học bởi họ cảm thấy thoải mái, đủ sức khỏe, được tận hưởng môi trường làm việc linh hoạt, không phân biệt tuổi tác và nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp.
“Nhiều ngành như giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật đòi hỏi quá trình làm việc, nghiên cứu, tích tụ kiến thức, tay nghề và học tập suốt đời. Ngoài ra, nhiều người mong muốn đi làm, cống hiến cho xã hội, giảm bớt vấn đề trầm cảm, xa cách xã hội…”, GS Long nói.
Tuy vậy, GS Long cho rằng cơ quan chức năng cần nghiên cứu, phân tích cụ thể các yếu tố như sức khỏe, nghề nghiệp, vị trí, môi trường làm việc khi xây dựng luật. Cạnh đó, người cao tuổi đi làm cũng phải được đánh giá lao động công bằng, đảm bảo năng suất lao động...