Thắt dây an toàn khi đi xe khách giường nằm, nhiều người vẫn chủ quan

Xe khách giường nằm hiện nay đều được trang bị dây an toàn ở mỗi giường nhưng việc sử dụng có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của hành khách.
Vụ tai nạn lật xe khách giường nằm ở Hà Tĩnh sáng ngày 25/7 là một sự việc đặc biệt nghiêm trọng, khiến 9 người tử vong và 16 người khác bị thương. Dù vụ tai nạn được xác định là do xe nổ lốp trước dẫn đến lật xe và không va chạm với bất kỳ xe nào nhưng vẫn gây ra thiệt hại về người khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về dây an toàn trên xe có tác dụng gì khi xảy ra tai nạn.
Theo Thông tư số 87 của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016, xe khách giường nằm bắt buộc phải có dây an toàn ở mỗi giường. Dây đai này trên xe khách giường nằm được thiết kế để đảm bảo an toàn cho hành khách trong tư thế nằm hoặc ngả, khác biệt so với dây an toàn trên xe con.
Trong đó, phổ biến nhất trên xe khách giường nằm là loại dây đai 2 điểm chỉ thắt ngang thân người qua vùng xương chậu/hông của hành khách, tương tự như xe khách ghế ngồi thông thường. Dây này giúp giữ hành khách không bị văng về phía trước hoặc trượt khỏi giường trong trường hợp phanh gấp hoặc va chạm nhẹ.
Tại sao có dây an toàn, hành khách vẫn có nguy cơ gặp nạn?
Mặc dù xe khách giường nằm được trang bị đầy đủ dây an toàn theo quy định nhưng hành khách trên xe vẫn có thể gặp nạn do một số nguyên nhân như sau:
Đầu tiên và phổ biến nhất là sự chủ quan không thắt dây an toàn hoặc thắt sai cách (ví dụ: chỉ cài hờ, không điều chỉnh dây ôm sát cơ thể) của nhiều hành khách, đặc biệt trên xe khách đường dài hoặc xe giường nằm.
Khi xảy ra va chạm mạnh, lực quán tính sẽ khiến hành khách bị văng khỏi ghế, va đập vào các bộ phận của xe hoặc văng ra ngoài, dẫn đến chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong
Thứ hai là mức độ nghiêm trọng của vụ va chạm. Mặc dù có dây an toàn, hiệu quả bảo vệ trên xe giường nằm vẫn có thể bị ảnh hưởng trong các tình huống va chạm phức tạp như lật xe, biến dạng nghiêm trọng thì khả năng bảo vệ của dây an toàn cũng có giới hạn.
Trong trường hợp xe bị lật như vụ tai nạn xe khách giường nằm ở Hà Tĩnh, lực tác động đa chiều có thể gây ra những chấn thương nặng nề mà dây an toàn 2 điểm không thể bảo vệ toàn diện như dây 3 điểm trên ghế ngồi của xe con.
Thứ ba, dây dai an toàn bị lỗi. Trường hợp này ít có khả năng xảy ra. Nhưng nếu dây an toàn trên xe bị hỏng, bị mòn, hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn thì tất yếu, khi có va chạm, dây sẽ không siết chặt hành khách theo đúng cơ chế được thiết kế.
Các mức phạt hành chính khi không thắt dây an toàn trên xe ô tô tại Việt Nam
Căn cứ Nghị định 168/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2025), việc không thắt dây an toàn sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm thắt dây an toàn.
Người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây đai an toàn khi xe đang chạy sẽ bị phạt từ 350.000-400.000 đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ quy định này trên xe khách, đặc biệt là xe giường nằm, vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều hành khách vẫn có thói quen không thắt dây an toàn, và nhà xe cũng chưa có biện pháp nhắc nhở, kiểm tra chặt chẽ.
Bạn đã từng gặp tình huống thót tim khi lái xe? Hãy chia sẻ video, thông tin tới Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!