Nhảy đến nội dung

Đất nông nghiệp ở Hà Nội bị đổ thải 'tan nát', san gạt nham nhở như công trường

Theo quy định, phế thải xây dựng (trạc thải) phải được đưa đến nơi tập kết rồi mang đi xử lý, nhưng nhiều người bất chấp đổ trộm ra đất nông nghiệp.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cho thấy từ đầu tháng 3-2025 đến nay, tình trạng đổ trộm phế thải ra đất nông nghiệp đang tái diễn ở một số nơi thuộc các huyện như Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội). 

Có nơi người đổ trộm phế thải đã bị xử lý nhưng rất khó để khôi phục nguyên trạng.

Cả ngàn mét vuông đất nông nghiệp bị đổ trộm

phế thải ngay giữa ban ngày

Ngày 4-5, Tuổi Trẻ Online ghi nhận một khu đất nông nghiệp ở xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) bị đổ phế thải san lấp từ những ngày đầu tháng 3-2025 vẫn chưa được thu dọn, khôi phục nguyên trạng.

Không chỉ phế thải xây dựng mà đủ loại rác thải cũng được đổ xuống khu vực này. Nhìn từ trên cao, khu đất nông nghiệp không khác gì một công trường san lấp lấy mặt bằng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực bị san lấp trái phép là đất nông nghiệp, được nhà nước giao cho các hộ dân ở xã Tân Triều theo nghị định 64 của Chính phủ. Người dân đã cho một cá nhân thuê lại trồng hoa, cây cảnh phục vụ dịch vụ chụp ảnh.

Cũng ở huyện Thanh Trì, hai bên đường Đại Thanh có nhiều khu đất nông nghiệp đang san gạt mặt bằng sau khi đổ trộm phế thải xây dựng. Có nhiều nhà mái tôn, sân bê tông có dấu hiệu mới xây dựng trong thời gian gần đây. Trong khi đó những dãy nhà xưởng, nhà kho rộng hàng ngàn mét vuông vi phạm từ lâu vẫn chưa được xử lý triệt để.

Hay như tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức), dù lãnh đạo UBND xã cho biết đã vào cuộc ngăn chặn nhưng ghi nhận cho thấy bãi phế thải trên đất nông nghiệp cứ ngày một phình ra. Những ngày đầu tháng 5-2025, hai chiếc xe ba bánh tự chế vẫn chở đầy ắp phế thải xây dựng mang ra khu ruộng bỏ hoang đổ trộm ngay giữa ban ngày.

Khó khôi phục đất nông nghiệp bị đổ phế thải

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Lăng - phóng chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) - cho biết nơi bị đổ trộm phế thải là đất ruộng trồng hoa của người dân, và diện tích bị đổ trộm khoảng hơn 1.000m2.

Theo ông Lăng, nơi xảy ra đổ trộm đã được một cá nhân thuê lại khoảng một héc ta đất ruộng của người dân xã Tân Triều và xã Thanh Liệt từ nhiều năm trước để trồng hoa, cây cảnh phục vụ dịch vụ chụp ảnh. Sau khi chính quyền vào cuộc (thời điểm tháng 3-2025) người vi phạm cam kết khắc phục, phế thải đổ trộm có được thu dọn nhưng không đáng kể.

"Chúng tôi đã xử phạt ba xe tự chế với số tiền 2,5 triệu đồng/xe đã có hành vi ảnh hưởng đến đất nông nghiệp. Còn chủ thuê đất ruộng của người dân làm phim trường chụp ảnh chúng tôi không xử phạt mà lập biên bản để ngăn chặn, đề nghị viết cam kết", ông Lăng nói.

Trong khi đó, thông tin về những vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Xuân Phong - chủ tịch UBND huyện Thanh Trì - cho biết thời điểm trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, đơn vị này đã chỉ đạo quyết liệt xử lý các vi phạm. Theo ông, UBND xã Tả Thanh Oai đã cưỡng chế nhiều hộ dân vi phạm và sau kỳ nghỉ lễ sẽ tiếp tục thiếp lập hồ sơ.

Ông Phạm Hải Hậu - phó chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai - cho hay trong hai ngày trước dịp nghỉ lễ có tám công trình ở thôn Siêu Quần đã bị phá dỡ do vi phạm trên đất nông nghiệp. Ngày 5-5 đơn vị sẽ tiếp tục lập hồ sơ những trường hợp vi phạm không chủ động tháo dỡ.

Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi "sau khi xử lý những trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp như tháo dỡ mái tôn, công trình trên đất, có trường hợp nào đã thu dọn hết phế thải đổ trộm?". "Thứ hai có gì tôi gọi lại thông tin sau. Giờ tôi lại có điện thoại", ông Hậu cáo bận.

Hình ảnh vi phạm trên đất nông nghiệp ở huyện Thanh Trì: