Danh hài Đức ra tòa vì đùa cợt vụ ám sát hụt ông Trump

Diễn viên hài người Đức Sebastian Hotz sẽ phải hầu tòa và có thể lãnh án ba năm tù giam vì pha trò về vụ ám sát hụt Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái.
Nam diễn viên hài Sebastian Hotz, còn được biết đến với nghệ danh El Hotzo, có thể đối mặt mức án lên đến ba năm tù vì so sánh vụ nổ súng nhắm vào Tổng thống Mỹ Trump trong một buổi vận động tranh cử hồi tháng 7-2024 với việc “chạy không kịp chuyến xe buýt cuối cùng”, theo báo Telegraph.
“Tiếc là bạn vừa lỡ chuyến xe buýt. Tôi thấy tuyệt vời khi bọn phát xít chết. Không ai ép bạn phải thấy thương hại cho bọn phát xít cả, bạn hoàn toàn có thể không làm vậy mà chẳng chịu hậu quả gì”, danh hài người Đức viết trên mạng xã hội ngay sau khi vụ nổ súng xảy ra.
Sau những phát ngôn này, ông Hotz bị sa thải khỏi vị trí làm việc tại đài truyền hình Đức RBB và bị buộc tội cổ xúy và khuyến khích hành vi phạm tội.
Phiên tòa dự kiến mở ngày 23-7 tại Tòa án quận Tiergarten (thủ đô Berlin, Đức), đang làm dấy lên tranh cãi gay gắt trong dư luận Đức, giữa hai luồng ý kiến đối nghịch về ranh giới của tự do ngôn luận.
Danh hài theo khuynh hướng bảo thủ Gerd Buurmann cho rằng điều này là không thể chấp nhận được khi một nghệ sĩ châm biếm bị đưa ra tòa chỉ vì lời nói bởi những gì ông Hotz nói là quyền tự do cá nhân.
Tuy nhiên nhiều người khác ủng hộ việc truy tố, cho rằng điều đó “cho thấy Internet không phải nơi ai muốn làm gì thì làm”.
Tỉ phú Elon Musk là một trong những người chỉ trích dữ dội nhất.
“Một người công khai mong tôi và ứng viên tổng thống hàng đầu của Mỹ chết lại được chính phủ Đức trả tiền để làm điều đó”, ông Musk viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X, như một lời nhắn ngầm gửi tới Thủ tướng Đức khi đó là ông Olaf Scholz.
Tỉ phú người Mỹ còn gắn thẻ ông Scholz và hỏi: “Was ist das?” (Cái gì thế này?)
Đây không phải lần đầu tiên “làng hài” Đức vướng tranh cãi tự do ngôn luận.
Hồi 2016, người dẫn chương trình Jan Böhmermann từng bị truy tố vì bài thơ châm biếm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan với những lời lẽ bị cho là nhạy cảm, xúc phạm.
Vụ việc gây chấn động đến mức Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel phải đích thân phê duyệt truy tố sau cuộc điện đàm với Ankara.
Dù vụ việc sau đó bị đình chỉ và và điều luật "xúc phạm nguyên thủ" bị bãi bỏ, ông Böhmermann từng mỉa mai rằng bà Merkel đã xem ông như “vật hiến tế”.