Nhảy đến nội dung

Đại lễ Vesak 2025: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu

Hôm nay 7.5, chương trình đại lễ Vesak 2025 dành trọn 1 ngày cho hội thảo quốc tế với 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.

Trước khi bắt đầu chương trình hội thảo quốc tế trong đại lễ Vesak 2025, toàn thể đại biểu tụng kinh cầu nguyện hòa bình thế giới theo nghi thức của truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa.

Trong phiên toàn thể với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững", hội thảo tiếp tục nghe phát biểu và thông điệp của các vị đại diện chính phủ, chư vị tăng thống, tăng vương, chủ tịch, lãnh đạo các Giáo hội Tăng già, tổ chức Phật giáo trên thế giới tham dự đại lễ Vesak 2025.

Sau đó, 5 diễn đàn của hội thảo quốc tế với hai ban tiếng Anh và tiếng Việt đồng loạt tiến hành thảo luận.

Sức mạnh của tha thứ

Hội thảo có 5 diễn đàn tương ứng với 5 chủ đề phụ gồm: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì một tương lai từ bi và bền vững; Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.

Trình bày trong hội thảo, Giáo sư - tiến sĩ Jyoti Gaur, Đại học Suresh Gyan Vihar, Ấn Độ trình bày tham luận "Sức mạnh của sự tha thứ: Con đường dẫn đến sự trưởng thành nội tâm và đổi mới".

Theo bà Jyoti Gaur, sự tha thứ đóng vai trò như một cầu nối giữa những chấn thương trong quá khứ và sự phát triển trong tương lai. Đó là con đường tái tạo bên trong không chỉ có lợi cho cá nhân mà còn cho xã hội bằng cách nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự hòa hợp.

"Ngày càng có nhiều người thừa nhận và thực hành sự tha thứ, sức khỏe tinh thần và cảm xúc tập thể của cộng đồng có thể được cải thiện, dẫn đến phản ứng dây chuyền của quá trình chữa lành và chuyển đổi", bà Jyoti Gau nhìn nhận.

Nuôi dưỡng bình an nội tâm

Tại diễn đàn với chủ đề "Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới", tiến sĩ Lye Ket Yong, Chủ tịch Trung tâm Thiền Trung Đông tại U.A.E, trình bày tham luận chủ đề "Hòa bình thế giới thông qua hòa bình nội tâm: Sức mạnh chuyển hóa của thiền định".

Theo quan điểm của diễn giả, hiệu ứng lan tỏa của sự chuyển đổi nhận thức là không thể đo lường được ví như bắt đầu từ một cá nhân, nếu mọi người trên thế giới thực hành thiền định cho đến khi họ đạt được sự bình an nội tâm, một làn sóng năng lượng tích cực lan tỏa ra khắp các gia đình, cộng đồng, xã hội và quốc gia. Điều đó mang lại an ổn cho thế giới.

Tại diễn đàn với chủ đề "Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu", hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung Ương trình bày tham luận "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới".

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhìn nhận, Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà còn là triết lý sống, cung cấp những nguyên lý giúp con người giải thoát khỏi khổ đau và sống hòa hợp với nhau.

"Tuệ giác Phật giáo hướng dẫn chúng ta về sự tương quan và kết nối giữa tất cả các sinh vật và vũ trụ, đồng thời khuyến khích mỗi cá nhân và cộng đồng sống chân thật, từ bi và khoan dung", hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trình bày.

Cuối giờ chiều, các phiên thảo luận kết thúc, đúc kết được nhiều giá trị tri thức cho học thuật Phật giáo thế giới, chính thức khép lại thành công hội thảo khoa học quốc tế trong khuôn khổ đại lễ Vesak 2025 tại TP.HCM với hơn 150 tham luận được trình bày.