Nhảy đến nội dung

Cuộc tái thiết đô thị Sài Gòn sau chiến tranh - Báo VnExpress - Báo VnExpress

Kế hoạch khơi thông kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được lãnh đạo TP HCM đặt ra từ năm 1985. Ba năm sau, thành phố nạo vét thí điểm 50 m gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhưng phải tạm dừng vì không hiệu quả. Đến năm 1993, dự án được tái khởi động với kế hoạch đầu tư bài bản với nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Dù ngân sách eo hẹp, thành phố vẫn bố trí 1.600 tỷ đồng để đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân ven kênh, nạo vét bùn đất, làm đường, trồng cây xanh...

Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP HCM khi ấy có 5 người, tính cả một bảo vệ và Giám đốc ban kiêm Phó giám đốc Sở Giao thông công chánh. Hai nhân sự làm thủ quỹ, kế toán, ông Thuận là nhân viên kế hoạch, kỹ thuật, trực tiếp làm việc với địa phương, sở ngành, nhà thầu xây dựng.

"Số lượng hộ dân quá lớn. Đó thực sự là thách thức lớn nhất của dự án", ông Thuận, sau này giữ vị trí phó rồi giám đốc dự án, nhớ lại.

Dòng kênh chằng chịt nhà cửa. Có những khu vực vào rồi không biết lối ra vì nhà cửa len lỏi, gá vào nhau như mê cung. Nơi đây còn nổi tiếng có nhiều thành phần "bất hảo", cờ bạc ẩn náu, luôn tỏ vẻ khó chịu khi đoàn khảo sát xuống địa bàn.

Biết việc thực hiện khó khăn, lãnh đạo thành phố khi đó, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang và Chủ tịch UBND thành phố Võ Viết Thanh rất quan tâm, yêu cầu họp giao ban mỗi thứ bảy. Bí thư thường xuyên đi thị sát. Nhờ đó, sở ngành, quận huyện cũng thực hiện "rất rốt ráo".

Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố không chờ giải tỏa hết 7.000 hộ mới bắt đầu xây dựng mà làm "cuốn chiếu" - dân vừa chuyển đi nhà thầu tới san lấp xây liền. Điều này vừa tránh tình trạng tái chiếm, vừa để người dân thấy sự quyết tâm của chính quyền.

Đoạn kênh gần cầu Điện Biên Phủ, phía bờ tây kênh Thị Nghè được chọn làm "hình mẫu". Khu vực này ngoài đất của quân đội dễ thương lượng, còn lại một vài hộ dân được đưa lên ở chung cư Nguyễn Đình Chiểu. Đoạn kè làm rất nhanh, rác vớt sạch sẽ, đường trải nhựa, trồng cây xanh, lắp đèn sáng lung linh. Từ đó, chính quyền có cơ sở thuyết phục các hộ dân còn lại.

Để có quỹ nhà tái định cư, thành phố lập hàng loạt công ty phát triển nhà ở các quận, huyện. Địa phương có kênh chảy qua, gấp rút xây chung cư. Ngoài bán giá rẻ, chính quyền cho trả góp hàng chục năm. Trường hợp xây chưa xong, thành phố bỏ tiền thuê nhà để người dân ở tạm. Nhờ đó, đến năm 1999, gần 7.000 hộ đã đồng thuận rời đi, "hoàn toàn không có sự chống đối".

Thành công này trở thành "bước chạy đà" cho các giai đoạn kế tiếp. Năm 2003, kế hoạch "hồi sinh" dòng kênh tiếp tục bằng dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ nguồn vốn hơn 300 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. Năm 2012, công trình cải tạo kênh và xây dựng đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc bên được khánh thành.

"Đây là điểm son của công cuộc chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường và đời sống của hàng triệu người dân kể từ ngày thống nhất", KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch gần 40 năm kinh nghiệm, đánh giá.

Theo ông, công trình này là thành tựu đáng ghi nhận khi so sánh với giai đoạn trước năm 1975, chính quyền cũng muốn cải tạo dòng kênh nhưng không làm được. Nhìn ra thế giới, nhiều nước như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc... cũng không xử lý được các nhà bám kênh, rạch giữa lòng thành phố.

Tiếp nối dự án hồi sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một loạt kênh đen, ô nhiễm khác ở TP HCM cũng được cải tạo, chỉnh trang một phần như Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ... Đến nay, khoảng 10.000 nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch được di dời, thay đổi bộ mặt đô thị.

Nhìn lại nửa thế kỷ quy hoạch thành phố, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng Võ Kim Cương cho rằng bên cạnh thành tựu, quá trình xây dựng cũng để lại nhiều nuối tiếc.

Dù có vốn đầu tư hạ tầng, quy hoạch lại bị chi phối mạnh mẽ bởi "lực kéo" từ lực lượng tư nhân - người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, Nhà nước không can thiệp kịp thời khiến nhiều khu vực không còn giữ được như quy hoạch ban đầu.

"Có những nơi nếu được thực thi quy hoạch tốt thì bộ mặt đô thị, đời sống người dân đã tốt hơn nhiều. Trong đó, Bình Tân là khu vực tôi thấy tiếc nuối nhất", ông Cương nói.

Nội dung: Lê Tuyết - Quang Tuệ
Đồ họa: Khánh Hoàng

Bài 2: Cuộc giằng co trong phát triển đô thị của TP HCM