Nhảy đến nội dung
 

Cụm từ 'nguy hiểm nhất' khi nuôi dạy con

Câu nói tưởng chừng vô hại có thể gây ra những tổn thương sâu sắc về lâu dài. Ảnh: Pexels.

Có một cụm từ mà nhiều cha mẹ bật ra một cách tự nhiên khi con cái gặp chuyện buồn hay bị tổn thương. Chẳng hạn, khi con vấp ngã, xích mích với bạn bè, mặt mày con tiu nghỉu và chưa kịp nói gì, nhưng cha mẹ đã vội vàng trấn an: "Con ổn mà".

Nghe thì có vẻ xoa dịu, thậm chí là trấn an con. Nhưng theo chuyên gia nuôi dạy con cái Reem Raouda, người đã nghiên cứu với hơn 200 trẻ em, đây lại là một cụm từ "nguy hiểm nhất và bị lạm dụng quá nhiều" trong nuôi dạy con cái.

Đáng chú ý, câu nói tưởng chừng vô hại này có thể gây ra những tổn thương sâu sắc về lâu dài mà nhiều bậc cha mẹ không hề hay biết. Dưới đây là lý do:

1. Nó dạy trẻ nghi ngờ cảm xúc của chính mình: Khi đứa trẻ đang buồn bã nhưng được nghe "con ổn mà", "con không sao đâu", trẻ sẽ bối rối "Vậy cảm giác này của mình là giả?". Lâu dần, con sẽ mất kết nối với thế giới cảm xúc bên trong và không còn tin vào những gì mình đang cảm thấy.

2. Phủ nhận trải nghiệm khi con cần bố mẹ nhất: Dù cha mẹ có ý tốt, câu nói "con ổn mà" lại khiến trẻ nghĩ "cảm xúc của mình chẳng có nghĩa lý gì". Sự bác bỏ, dù nhẹ nhàng, cũng dạy con rằng chỉ khi nào con bình tĩnh, không làm phiền thì mới nhận được sự an ủi và quan tâm. Đây chính là khởi đầu của việc kìm nén cảm xúc.

3. Làm gián đoạn quá trình xử lý cảm xúc: Việc vội vàng trấn an sẽ chặn đứng quá trình xử lý cảm xúc, khiến trẻ mất đi khả năng nhận diện, gọi tên và tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Thay vì giúp con mạnh mẽ hơn, bố mẹ đang tập cho con trốn tránh cảm xúc.

4. Dạy con rằng tình yêu có điều kiện: Vô tình, những câu như "con không sao đâu", "thôi nín đi", hay "đừng có sợ" khiến trẻ tin rằng phải giấu nhẹm cảm xúc thì mới được yêu thương, chấp nhận. Một khi tình yêu trở nên có điều kiện, sự an toàn về mặt cảm xúc - nền tảng của sức khỏe tinh thần - sẽ lung lay.

5. Nó có thể thay đổi phản ứng căng thẳng của trẻ: Hệ thần kinh phát triển thông qua những trải nghiệm lặp đi lặp lại. Khi một đứa trẻ khó chịu nhưng gặp phải sự bác bỏ thay vì hỗ trợ, cơ thể chúng học được rằng việc thể hiện cảm xúc là không an toàn. Theo thời gian, hệ thần kinh sẽ quen với việc bị gián đoạn, khiến con khó lòng tin tưởng, tự điều chỉnh và không cảm thấy an toàn khi sống thật với chính mình.

Thực tế, trẻ em không tìm kiếm một lời trấn an suông. Đều chúng thực sự cần là được trải nghiệm trọn vẹn cảm xúc của mình. Quan trọng hơn, trẻ cần biết rằng việc thể hiện cảm xúc là an toàn, đặc biệt là khi có cha mẹ bên cạnh.

Thay vì nói câu quen thuộc có phần hời hợt, cha mẹ hãy thử những cách diễn đạt mạnh mẽ hơn. Ví dụ như "Bố/mẹ tin con", "Cảm xúc của con là hợp lý", "Bố/mẹ ở đây với con", "Bố/mẹ đã thấy chuyện gì xảy ra. Con cảm thấy thế nào?"...

Những lời nói này không đơn thuần chỉ là xoa dịu nhất thời. Chúng còn có khả năng củng cố nội lực bên trong trẻ, dạy cho con những điều quý giá: "Cảm xúc của mình có giá trị", "Mình có thể tin tưởng vào chính mình", "Mình không hề đơn độc".

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.