Nhảy đến nội dung

Con 9 tuổi béo 50 kg vì mẹ luôn sợ bị đói

Tôi có con gái nhỏ hiện sinh hoạt tại CLB văn nghệ ở Nhà thiếu nhi của một quận trung tâm thành phố. Cứ mỗi tuần vài buổi chiều, tôi thường đưa con tới đây để học tập sinh hoạt cùng bạn bè. Tôi thường đưa con tới sớm hơn giờ quy định nên hay cùng con ngồi ở ghế đá. Tôi quan sát thấy có khá nhiều bậc phụ huynh thường mua đồ ăn cho con mình ăn tạm trước khi trẻ vào học. Người mua cho con hộp bánh tráng trộn, vài trái hột gà nướng; người lại bồi dưỡng cho con hộp cá, bò viên chiên. Không ít người còn sợ con đói nên cho ăn cả bún xào, cơm phần...

Khi con gái nhìn thấy các bạn đồng trang lứa được cha mẹ cho ăn uống "thả phanh" như thế, ban đầu con tôi cũng nài nỉ tôi mua đồ ăn cho. Nhưng tôi từ chối và giải thích với con rằng "ăn uống phải có bữa, không được ăn vặt nhiều, nếu không sẽ bị béo phì, không chỉ xấu mà còn sinh ra lắm bệnh tật...". Qua nhiều lần ngăn cản và giảng giải về hậu quả không tốt đẹp của tình trạng béo phì, dần dần con gái tôi không đòi ăn vặt nữa, mà tuân thủ việc ăn theo bữa rất điều độ.

>> Ronaldo giúp tôi giảm cân 15 kg

Thậm chí, trong các bữa ăn sáng, trưa, tối, con gái tôi còn không dám ăn quá nhiều. Có bữa, tôi thấy con chỉ ăn một chén cơm đầy và bảo: "Con thấy ở lớp có nhiều bạn béo phì nên con thấy sợ lắm. Con chỉ sợ mình cũng bị như vậy thì nguy...". Thấy con có ý thức trong việc ăn uống điều độ như vậy, tôi rất mừng. Nhiều bữa đi học tại trường, lúc ra chơi giữa buổi, các bạn trong lớp mời đồ ăn vặt nhưng con tôi cũng nhất quyết từ chối. Con gái tôi còn nhận thức được các loại quà bánh, đồ ăn vỉa hè thường được chế biến không đảm bảo vệ sinh nên hầu như không bao giờ ăn.

Lại nói về chuyện các bậc phụ huynh vẫn hay mua đồ ăn vặt cho con, tôi cho rằng việc cha mẹ đáp ứng mọi nhu cầu, sở thích ăn uống của con như vậy là không hề tốt. Chính vì bọn trẻ háu ăn, ăn nhiều như vậy nên đứa nào đứa nấy bây giờ đều mập mạp, thừa cân, béo phì.

Một chị bạn của tôi có con học CLB võ thuật kể về tình trạng ăn uống của con mình: "Thằng nhỏ ăn liên hồi, mỗi bữa chính nó ăn hai tô cơm đầy. Bữa sáng nó cũng phải ăn thật no chứ không chịu lót dạ qua loa. Rồi thì ăn vặt không ngưng nghỉ, vậy mà lúc nào cũng kêu đói". Trước mỗi chiều đi học võ, chị đều phải mua cho con hôm thì hộp cơm tấm, hôm lại hộp bún xào, hộp cá viên chiên... Vì ăn nhiều nên nay mới có 19 tuổi mà cậu đã nặng tới 52 kg. Nhiều bữa muốn chị "hãm" không cho con ăn, nhưng thấy con kêu đói lại thương và tặc lưỡi chiều ý.

>> Tôi giảm 15 kg không cần tới phòng gym

Chẳng riêng gì con trai của chị, ngay như nhà hàng xóm của tôi cũng tương tự khi gia đình này có một cu cậu năm nay mới vừa vào lớp 4 những trọng lượng cơ thể đã đạt tới gần 50 kg. Nguyên nhân là cậu bé được ba mẹ cho ăn thoải mái, ăn theo nhu cầu, hết bữa chính rồi kèm theo các bữa phụ liên miên mà không hề bị ngăn cấm. Chẳng vậy mà cân nặng của cậu cứ tăng lên vùn vụt. Mẹ của cậu cũng bất lực bảo rằng: "Không cho nó ăn khi thấy con kêu đói lại thương, vì vậy đành phải để con ăn. Thôi thì kệ vậy chứ chẳng biết làm thế nào?".

Đúng là khi con trẻ đã trở nên béo phì, thừa cân rồi thì việc hướng chúng hạn chế ăn, hay tham gia luyện tập thể thao để giảm cân là điều cực kỳ khó, ít hiệu quả. Chỉ có ngăn ngừa, hướng trẻ ăn uống hợp lý ngay từ sớm thì mới có tác dụng. Để con cái bị béo phì, thừa cân, tôi nghĩ lỗi phần nhiều thuộc về cha mẹ. Vì như đã nói, nếu họ hướng con ăn uống điều độ, không chiều chuộng trong việc ăn uống bằng cách mua nhiều quà vặt, cho chúng ăn quá nhiều bữa trong ngày, nhất là nạp thường xuyên các đồ chiên rán, uống nước ngọt có gas, thì hậu quả đâu dẫn tới con bị thừa cân.

Chính vì vậy, khi nuôi dạy con cái lúc chúng còn nhỏ, các bậc phụ huynh nên hướng con ăn vừa đủ trọng lượng, đủ chất chứ đừng để con ăn thả cửa, ăn bao nhiêu tùy thích, như vậy hậu quả chắc chắn là con trẻ sẽ bị thừa cân béo phì. Khi đó hình thể vừa xấu lại không tốt cho sức khỏe bản thân các con. Ngoài việc "khống chế" khẩu phần ăn, dinh dưỡng ra thì cha mẹ cũng nên hướng trẻ vào việc tập, rèn luyện thể thao, bởi tập luyện thể thao không chỉ đốt mỡ thừa trong cơ thể mà còn tạo cho xương trẻ cứng cáp trong thời kỳ đang phát triển.

Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Trong nhóm trẻ 5-19 tuổi, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% (2010) lên 19% (2020). Trong đó, khu vực thành thị 26,8%, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) cao hơn tỷ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình của khu vực.

Phạm Tuân