Có thể tuyên dương sinh viên nhường chỗ ngồi cho cựu chiến binh thay vì tặng bằng khen

Theo chuyên gia, việc các sinh viên nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh trong đại lễ 30-4 rất xứng đáng được tuyên dương với nhiều hình thức khác, thay vì tặng bằng khen của giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Sau khi giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM tặng bằng khen cho 6 sinh viên năm nhất Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn vì đã có hành động đẹp, nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh nơi diễn ra các hoạt động chào mừng đại lễ 30-4, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc này.
Trao bằng khen cho sinh viên để tiếp tục lan tỏa hành động nhân văn
Theo ThS Trần Nam - trưởng phòng công tác sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, tối 29-4 nhóm sinh viên trên đã có hành động ứng xử đẹp khi hỗ trợ các cựu chiến binh trong tình huống phát sinh mâu thuẫn giữa đám đông tại khu vực trung tâm TP.HCM, nơi diễn ra các hoạt động chào mừng đại lễ 30-4.
"Hành động của các bạn không chỉ góp phần xoa dịu sự căng thẳng trong khoảnh khắc ấy, mà còn thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, kính trọng thế hệ đi trước và thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công với đất nước.
Ngay sau khi biết được thông tin này, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM đã quyết định tặng bằng khen cho các bạn", ông Nam cho biết thêm.
Phát biểu tại buổi trao tặng bằng khen cho các sinh viên, TS Phan Thanh Định - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - nhấn mạnh: "Việc trao bằng khen của giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho các bạn sinh viên là phần thưởng ý nghĩa, khích lệ sinh viên của trường, của Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục lan tỏa những hành động nhân văn, nhân ái đến cộng đồng, xã hội".
Khen thưởng quá mức làm nhạt đi giá trị phần thưởng
Trong khi đó, theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), việc Đại học Quốc gia TP.HCM trao bằng khen cho 6 sinh viên vì nhường chỗ ngồi cho cựu chiến binh trong dịp 30-4 đã khơi lên tranh luận về cách ghi nhận hành vi đạo đức.
Dù xuất phát từ thiện chí, việc này vô tình biến một hành động vốn được xem là chuẩn mực cơ bản thành điều "khác thường", khiến nhiều người băn khoăn: Liệu bằng khen - thường dành cho thành tích xuất sắc - có phải là cách khen phù hợp?
Trong bối cảnh xã hội, việc tử tế rất đáng trân trọng nhưng nếu được nâng tầm quá mức, vô hình trung phản ánh một thực tế đáng suy ngẫm: khi lòng tốt trở nên hiếm hoi, người ta dễ dùng khen thưởng để "bù đắp" thay vì khuyến khích sự tử tế là bản chất tự nhiên của con người.
Cách làm này có thể khiến sinh viên - những người được khen - có thể ngỡ ngàng vì khi nhường chỗ với các em là phản xạ tự nhiên của đa số sinh viên.
"Khi khen thưởng 6 em này, chắc hẳn Đại học Quốc gia TP.HCM muốn cho thấy bức tranh tương phản với vài sinh viên ứng xử không hay với hai cựu chiến binh.
Nhưng thay vì trao bằng khen, nhà trường có thể lựa chọn hình thức tuyên dương nhẹ nhàng (như cộng điểm rèn luyện) để vừa ghi nhận, vừa giữ nguyên ý nghĩa của lòng tốt.
Việc này cho thấy đôi khi khen thưởng quá mức không chỉ làm nhạt đi giá trị phần thưởng mà còn khiến việc làm tử tế bị hiểu lầm là "khác biệt", trong khi nó nên là điều bình thường trong một xã hội văn minh", ông Vinh nhận định.
Nhiều cách tuyên dương ý nghĩa hơn tặng bằng khen
ThS Nguyễn Hải Trường An, phó phòng công tác sinh viên Trường đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM, cho biết chị không phản đối việc ghi nhận hành động đẹp của sinh viên.
Nhất là trong thời điểm vừa qua, việc các bạn trẻ thể hiện lòng tôn trọng với người lớn tuổi, đặc biệt là các bác cựu chiến binh, thật sự rất đáng trân trọng.
"Tuy nhiên thú thật tôi hơi băn khoăn việc trao tặng bằng khen. Vì những hành động như nhường chỗ, lễ phép, kính trên nhường dưới… vốn là điều cơ bản trong cách ứng xử hằng ngày. Đó là văn hóa, không phải thành tích.
Nếu cứ đưa những điều nên làm thành "việc đặc biệt được khen thưởng lớn", lâu dần sẽ khiến người ta hiểu sai bản chất của việc sống tử tế. Trong sự việc này, theo tôi vẫn nên khen sinh viên nhưng có thể là lời cảm ơn, một buổi gặp mặt nhỏ trong dịp sinh hoạt chuyên đề để lan tỏa tinh thần ấy là được.
Làm vậy sẽ giữ được ý nghĩa ban đầu - vừa ghi nhận, vừa nhẹ nhàng gieo vào người trẻ cảm giác: 'Sống đẹp là điều tự nhiên - không phải để được tưởng thưởng'. Chúng ta cần những người sống tử tế thật, chứ không phải sống để được khen là tử tế", chị Trường An chia sẻ.
Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường đại học Công Thương TPHCM - cũng nhận định hành động nhường chỗ cho cựu chiến binh của các sinh viên là một nghĩa cử nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa.
Hành động này không chỉ thể hiện sự kính trọng đối với những người có công với đất nước mà còn lan tỏa tinh thần nhân văn, biết ơn của thế hệ trẻ.
"Việc khen ngợi là phần thưởng ý nghĩa, khích lệ sinh viên tiếp tục thực hiện những hành động nhân ái, góp phần xây dựng xã hội của mình được tốt hơn. Nhưng tặng bằng khen có lẽ là hơi bị 'cao sang' quá. Một lời khen ngợi từ hiệu trưởng có lẽ là được rồi.
Theo tôi, trong sự việc này, nhà trường nên mời các sinh viên tham gia vào buổi hôm đó chia sẻ câu chuyện của mình trong buổi tọa đàm về giá trị sống hoặc giáo dục đạo đức cho các bạn trẻ. Cách làm này sẽ giúp lan tỏa hành động đẹp và khuyến khích các bạn trẻ khác", ông Sơn nói.