Nhảy đến nội dung
 

Cổ phục Việt trỗi dậy

Từ bảo tàng đến đời sống, từ hoài cổ đến sáng tạo, Việt phục, đặc biệt là cổ phục, đang trở lại dòng chảy thời trang hiện đại, với sức sống bất ngờ và tiềm năng dài hạn.

Từ không gian nghi lễ đến hiện tượng thị trường

Một thời gian dài, Việt phục như áo tấc, ngũ thân tay chẽn, nhật bình, khăn vấn… chỉ xuất hiện trên sân khấu, bảo tàng, hay phim cổ trang. Tuy nhiên gần đây, làn sóng phục hưng bùng lên mạnh mẽ. Việt phục xuất hiện trên phố, studio cưới, MV, lễ hội, sự kiện quốc tế... Từ không gian nghi lễ, Việt phục bước ra đời thường, trở thành biểu tượng của bản sắc dân tộc đương đại.

Tại các di sản, thắng cảnh cổ như Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích Cố đô Huế (bao gồm Hoàng cung Huế) và nhiều di tích lịch sử khác, các tiệm cho thuê Việt phục xuất hiện ngày càng nhiều. Du khách tới tham quan và "hóa thân" thành vua chúa, hoàng hậu, cung nữ, quan lại… rồi chụp ảnh trên nền di tích, tạo nên những kỷ niệm đẹp cho bản thân đồng thời lan tỏa giá trị thắng cảnh, đưa trở lại ngày càng nhiều cái nhìn yêu thích với Việt phục.

Trào lưu văn hóa mới

Khởi đầu từ các bộ ảnh cổ trang, cosplay văn hóa dân gian trên mạng xã hội, Việt phục đã hòa vào dòng chảy văn hóa sôi động trong đời sống giới trẻ. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, TP.HCM, có rất nhiều studio chuyên chụp ảnh Việt phục ra đời, kéo theo dịch vụ cho thuê, may đo phát triển. Giá thuê phổ biến chỉ từ một trăm ngàn đến vài trăm ngàn đồng mỗi lượt, may đo cá nhân chỉ từ vài trăm ngàn đến hơn một vài triệu đồng - mức giá hợp lý giúp Việt phục tiếp cận đông đảo người yêu văn hóa truyền thống.

Vượt ra không gian ảnh, Việt phục hiện diện nổi bật trong các sự kiện văn hóa cộng đồng quy mô lớn. Ví như sự kiện "Việt Phục Hành" - diễu hành và trình diễn trang phục truyền thống (do đạo diễn, ca sĩ David Lê khởi xướng và tổ chức) diễn ra đầu năm 2025 tại Hà Nội và TP.HCM. Sự kiện này lập Kỷ lục Việt Nam (VietKings) với danh hiệu "Sự kiện diễu hành và trình diễn trang phục truyền thống Việt Nam có số lượng người tham gia đông nhất", quy tụ hàng nghìn bạn trẻ là sinh viên, người mẫu, doanh nghiệp, các nghệ sĩ và người yêu văn hóa dân tộc... Người tham gia khoác lên mình những bộ cổ phục Việt đặc sắc như áo nhật bình, áo tấc, ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn; áo giao lĩnh, áo đối khâm thời Lê, Trần, tứ thân, áo dài truyền thống, áo bà ba, kết hợp với khăn đóng, guốc mộc, trang sức dân tộc… tạo nên một không gian đầy màu sắc và đậm chất văn hóa.

Tương tự là "Bách Hoa Bộ Hành", một hoạt động diễu hành nghệ thuật thường niên thu hút hàng ngàn người tham gia ở mỗi miền, trong đó có nhiều nghệ sĩ, người đẹp, nam nữ sinh viên cùng nhiều đại diện của các tổ chức văn hóa, doanh nghiệp. Họ cùng nhau trình diễn Việt phục trên các tuyến phố trung tâm, lan tỏa vẻ đẹp truyền thống và truyền cảm hứng gìn giữ di sản văn hóa thông qua việc "bộ hành" trong hồn cốt Việt. Lần trình diễn vào tháng 3 vừa qua tại TP.HCM và tháng 6 tại Huế mỗi nơi đã thu hút hơn 1.000 người tham gia.

Trong âm nhạc, Việt phục cũng ngày một hiện diện thường xuyên hơn. Bắc Kim Thang (Hoàng Thùy Linh), Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy), Tơ đồng thánh thót (Vũ Thùy Linh)…, đều gây tiếng vang nhờ âm nhạc và tạo hình trang phục Việt, Việt cổ được phục dựng công phu, mang tính biểu tượng cao.

Tiến ra thế giới

Trên sân khấu quốc tế, Việt phục được các hoa hậu Việt Nam lựa chọn làm dấu ấn văn hóa. Tại Miss Supranational 2025, Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên gây ấn tượng với trang phục Cô Đôi Thượng Ngàn - cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Mẫu, kết hợp áo chầu và mũ hầu cầu kỳ. Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi dự phần Dance of the World (Miss World) với Vũ điệu đại ngàn được thiết kế cách điệu từ văn hóa Tây nguyên, kết hợp thổ cẩm và tua rua truyền thống.

Sự phục hưng của Việt phục cho thấy đây không chỉ là xu hướng hoài niệm, mà đang định hình như biểu tượng thẩm mỹ đậm chất Việt. Việt phục giờ đây là cầu nối nghệ thuật - đời sống, quá khứ - hiện tại, cá nhân - cộng đồng tạo nên dòng chảy văn hóa sống động, có bản sắc và bền vững.

Các workshop thêu hoa văn cổ, talkshow mỹ thuật triều đại, thi vẽ trang phục dân gian... cũng nở rộ cho thấy sức hút văn hóa bền vững của Việt phục trong lòng người trẻ.

Sáu năm trước, Phạm Đồng, nhà sáng lập Đồng Creative, nhận ra rằng VN sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa quý giá có thể phát triển công nghiệp sáng tạo, nhưng lại bị lãng quên. Trong khi cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc vươn xa, Việt phục vẫn chỉ là ký ức. Anh chọn Việt phục làm hướng đi để khơi dậy tình yêu văn hóa qua thời trang, với thiết kế chủ yếu lấy cảm hứng từ thời Lê Trung hưng, sử dụng lụa tơ tằm Nha Xá và giữ nguyên phom dáng, hoa văn truyền thống. Ngoài thiết kế, anh còn tạo video tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trên nền tảng số, thu hút đông đảo bạn trẻ.

Nghệ sĩ Vũ Thùy Linh chia sẻ album Tơ đồng thánh thót sử dụng áo dài cổ như một hành trình lan tỏa văn hóa Việt qua thời trang, kết hợp nhạc cụ dân tộc để tôn vinh vẻ đẹp truyền thống. Cô cùng stylist Hoài An, nhiếp ảnh gia Nguyễn Long và các nhà thiết kế Cao Minh Tiến, Lasen Vũ, Phạm Hoa, Đan Hương đã xây dựng concept đa dạng, từ truyền thống đến đương đại. "Tôi tin Việt phục có thể sống cùng đời sống nghệ thuật đương thời," nghệ sĩ Vũ Thùy Linh khẳng định.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn