Chuyên gia: Bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới, từ bị động tiếp nhận nhu cầu giãn dân, sang chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư quy mô lớn, đa dạng và bền vững.
Bất động sản ven Hà Nội bước vào chu kỳ mới
Sáng 15/5, Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức hội thảo về triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng - cho rằng, Vùng Thủ đô đang được tái định hình như một không gian tăng trưởng chiến lược của quốc gia, là một vùng động lực thực sự có khả năng tạo đà bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Khi quốc gia xác lập vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, Vùng Thủ đô cũng chuyển dịch vai trò, từ vệ tinh của Hà Nội thành cực phát triển cấp vùng trong cấu trúc kinh tế - chính trị - xã hội hiện đại. Đây là biểu hiện cho một bước ngoặt, từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ sang nền kinh tế sáng tạo, công nghệ cao.
Ông Thiên cho rằng, tăng trưởng không thể bám mãi vào mặt đất với những giới hạn về quỹ đất, hạ tầng, dân số. Tư duy mở rộng không gian vật lý sang không gian số, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian biển, thậm chí là không gian vũ trụ, đang được đặt ra như một mệnh đề phát triển mới.
Với lợi thế kết nối dựa núi hướng biển, Vùng Thủ đô có thể trở thành tâm điểm của xu hướng phát triển đa không gian. "Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ mới, từ bị động tiếp nhận nhu cầu giãn dân, sang chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư quy mô lớn, đa dạng và bền vững", ông Thiên nói.
Hiện nay, Vùng Thủ đô có 7 đường vành đai bao quanh, trong khi Vùng TPHCM chỉ mới chỉ có 4 đường. Chính điều này sẽ định hình các trung tâm phát triển - tọa độ cho các thị trường bất động sản khu vực này bùng nổ trong thời gian tới. Ngay chính Hà Nội, các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng hiện cũng đang trở mình và phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh vị trí, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực của Vùng Thủ đô cũng vượt trội hơn hẳn so với nhiều khu vực khác nhờ hội tụ nhiều nhân lực chất lượng.
Nhận định về thị trường bất động sản Vùng Thủ đô, ông Thiên đánh giá chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm thách thức nếu không biết nắm bắt và quản lý. Vì vậy, để tận dụng tối đa những lợi thế, giúp Vùng Thủ đô phát triển xứng với tiềm năng, cần có những chính sách phù hợp.
TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - nhận định, thị trường bất động sản đô thị tại Vùng Thủ đô đang đứng trước triển vọng tươi sáng. Hiện nay, xu hướng phát triển bất động sản đô thị tại Vùng Thủ đô đang rất đa dạng.
Trước tiên, bất động sản nhà ở tiếp tục là nhu cầu trọng tâm với nhiều phân khúc. Vùng Thủ đô đang tập trung phát triển các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị mới để đáp ứng nhu cầu cho hàng chục vạn người dân trong thập kỷ tới.
Nhiều khu đô thị tích hợp tầm cỡ đã và đang được triển khai. Các dự án này không chỉ cung cấp nhà ở, mà còn tích hợp đầy đủ dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, giải trí…
Song hành với nhà ở, bất động sản công nghiệp và logistics trong vùng Thủ đô cũng có triển vọng bứt phá mạnh mẽ. Khu vực này đang là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với hàng loạt khu công nghiệp lớn tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương.
Vùng Thủ đô có nhiều dự án trọng điểm sắp triển khai
Ông Cấn Văn Lực - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng - cho biết, trước sáp nhập Vùng Thủ đô có khoảng 10 tỉnh, thành phố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá tích cực. Trong quý I, Vùng Thủ đô có tốc độ tăng trưởng đạt hơn 9,4%.
Theo Nghị quyết 60, sau sáp nhập Vùng Thủ đô dự kiến gồm 7 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội; Hưng Yên (Hưng Yên và Thái Bình); Ninh Bình (Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định); Phú Thọ (Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình); Bắc Ninh (Bắc Ninh, Bắc Giang); Thái Nguyên (Thái Nguyên, Bắc Kạn); Quảng Ninh.
Về diện tích, sau sáp nhập, Phú Thọ có diện tích rộng lớn nhất. Về dân số, Hà Nội vẫn đông nhất với 8,7 triệu dân. "Nếu Vùng Thủ đô tạo ra được những cực tăng trưởng tốt, đất nước cũng sẽ có thêm động lực tăng trưởng", ông Lực nói.
Về các dự án hạ tầng trọng điểm, ông Lực cho hay, tại Vùng Thủ đô có rất nhiều dự án đang và sẽ chuẩn bị được triển khai trong thời gian tới, ví dụ như dự án Vành đai 4 có tổng vốn đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 5 cũng đã bắt đầu được bàn bạc để tiến hành thực hiện với độ dài khoảng 272km, gấp đôi Vành đai 4 với tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư khoảng 203.000 tỷ đồng và cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Hay dự án sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng khi được nâng cấp thành sân bay quốc tế, có diện tích 363,5ha.
Một dự án nữa là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô khoảng hơn 1.500km, chạy qua 20 tỉnh, thành phố; tổng vốn đầu tư dự kiến 1,7 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều dự án hạ tầng khác đang tạo động lực phát triển tích cực cho Vùng Thủ đô.