Chương trình MTQG 1719: Miền núi bền vững - cả nước cùng chung tay

Khác hẳn với hình ảnh nghèo nàn, khó khăn, vất vả như thường thấy tại những xã miền núi, vùng cao, giờ đây Tủa Chùa - một xã miền núi tỉnh Điện Biên đang được phủ xanh bởi những vườn cây ăn quả; xa xa trên những triền dốc, từng đàn trâu, đàn bò đủng đỉnh gặm cỏ; những túp lều ọp ẹp trước đây được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố, khang trang; người dân ở Tủa Chùa cũng không còn phải cặm cụi đi bộ trên những con đường núi bụi mùi, gồ ghề,… Các tuyến đường liên thôn, liên xã trải bê tông phẳng lì, xe đạp điện, xe máy tấp nập lưu thông…
Những hình ảnh này là minh chứng sống động cho thấy sắc màu ấm no đang hiện hữu ở vùng cao Tủa Chùa.
Từ 4 năm trước, bà con Tủa Chùa cùng bà con ở các xã, các huyện trong toàn tỉnh Điện Biên phấn khởi thi đua triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Cuộc sống đã sang trang mới!
Anh Chang A Đơ, xã Tủa Chùa (Điện Biên) phấn khởi “khoe” với chúng tôi đàn bò của gia đình.
Anh Đơ vẫn nhớ như in, trước khi triển khai Chương trình MTQG 1719, mặc dù sống ở nơi có nhiều tiềm năng, nhưng cơ sở hạ tầng nghèo nàn, anh cùng nhiều bà con trong vùng chưa suy nghĩ được sâu, chưa biết làm kinh tế, cuộc sống lúc nào cũng vướng mắc trong khó khăn, thiếu thốn đủ bề, đói nghèo triền miên.
Ngay khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai tại Tủa Chùa, lãnh đạo địa phương đã tích cực tuyên truyền đến người dân, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ nhiều nguồn lực để bà con tự tin phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng cây lúa ngắn ngày cho năng suất cao.
Cùng với đó, bà con được hỗ trợ trâu bò để nuôi, máy móc hiện đại để ứng dụng vào phát triển sản xuất, được cấp giống ngô, được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
“Được đầu tư mô hình kinh tế, nước và đường bê tông liên thôn cũng theo về xã Tủa Chùa. Đây có thể coi là thời điểm tạo ra sự đột phá cho nơi này. Mọi người đều được hưởng thành quả”, anh Chang A Đơ chia sẻ.
15 bản của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu (khi chưa vận hành chính quyền 2 cấp) có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, với hơn 650 hộ, hơn 3.100 nhân khẩu, tập trung ở các xã Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì và Nậm Hàng. Đây là một trong những dân tộc ít người đang gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác còn lạc hậu...
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, lồng ghép cùng các chương trình MTQG khác, bà con dân tộc Mảng ở Nậm Nhùn đã bước đầu đa dạng hóa sinh kế, chủ động vươn lên, chung tay xây dựng bản làng. Các hủ tục lạc hậu, tâm lý trông chờ, ỷ lại đã từng bước được đẩy lùi. Bà con tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
Là một trong những tấm gương làm kinh tế giỏi tiêu biểu, bà Lò Thị Hoạt ở Nậm Pì chia sẻ, gia đình được hỗ trợ giống lợn từ Tiểu dự án phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc đặc biệt khó khăn. Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, đến nay đàn lợn của gia đình đã lên đến hàng trăm con. Mỗi năm bà cho xuất chuồng hai lứa, thu nhập hơn 200 triệu đồng.
“Nậm Pì đã thay đổi rồi, rất nhiều gia đình khác trong vùng cũng làm ăn giỏi. Chúng tôi không chỉ tự biết cách thoát nghèo mà còn có điều kiện lo cho con cái ăn học đàng hoàng”, bà Hoạt cho hay.
Biết khai thác thế mạnh của địa phương cũng như dân tộc mình để phát triển du lịch cộng đồng, chàng trai người Mường - Bùi Ngọc Thanh ở huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định (trước khi sáp nhập xã, tỉnh) đã khởi nghiệp thành công mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm mang lại thu nhập cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều người DTTS ở các thôn, bản.
Gia đình anh Thanh di cư từ phía Bắc vào Bình Định. Nhận thấy vùng đất này có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với một số loại nông sản như dâu tây, măng tây và rau củ quả…, lại bắt đúng luồng gió lành từ Chương trình MTQG 1719, năm 2022, anh Thanh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để khởi nghiệp.
“Trước đây gia đình tôi chỉ trồng cây keo, cây mì nhưng thu nhập không đáng là bao. Với suy nghĩ muốn làm giàu, thì phải thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. Vì thế, trong chuyến đi tham quan các mô hình trồng trọt các loại rau củ ở các tỉnh Tây Nguyên tôi quyết định trồng dâu tây, măng tây và các loại rau củ ngắn ngày để tăng thu nhập”, anh chia sẻ.
Để trồng thử nghiệm, anh Thanh đã lên Đà Lạt tìm mua giống dâu tây về trồng trên mảnh đất bỏ hoang sau nhà. Sau nhiều lần thất bại, đến nay anh đã trồng được khoảng 1ha các loại cây dâu tây, măng tây, rau củ ngắn ngày. Riêng dâu tây được 5.000 gốc, mỗi ngày thu hoạch được 10-15kg quả, giá bán tại vườn từ 200 – 250 nghìn đồng/kg. Mỗi khi tới vụ thu hoạch, nhiều người tìm đến vườn tham quan, trải nghiệm.
Anh cho hay, khi vận hành mô hình, anh hướng đến tiêu chí du lịch trải nghiệm hoà cùng thiên nhiên qua các điểm như: Thành Tà Kơn, tắm suối Lơ Pin; tìm hiểu quy trình chăm bón, trồng và thu hoạch dâu tây, măng tây.
Theo anh Thanh, làm mô hình du lịch là ước mơ của rất nhiều người dân. Bởi, ngoài khoản tiền thu được, họ còn quảng bá được du lịch của địa phương. Thật may, trong Chương trình MTQG 1719, Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch đang mở ra nhiều cơ hội cho bà con.
Những câu chuyện ghi nhận từ thực tiễn trên là minh chứng sống động cho thấy, Chương trình MTQG 1719 là bệ đỡ phát triển vùng đồng bào DTTS.
Có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, được người dân đồng tình, hưởng ứng tham gia. Các dự án, chính sách của chương trình bao phủ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có tác động thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS.
Từ nguồn lực của chương trình, trong những năm qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, y tế; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sinh kế bền vững cho vùng DTTS và miền núi.
Cùng với đó, là sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân miền xuôi đồng hành cùng người miền núi kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đó, tính đến hết năm 2024, đã có 6 trong số 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 đã cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân gần 4%/năm (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao; cao hơn so với tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước).
Bên cạnh đó, chương trình triển khai 403 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, với tổng giá trị lên tới 306.105 triệu đồng. Đã triển khai 2.562 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với tổng giá trị 588.748 triệu đồng và thu hút được 20.453 hộ tham gia; 12 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được xây dựng tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; 7 dự án trồng dược liệu quý đang được triển khai.
Đồng thời, chương trình đã hỗ trợ 383 dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt với 36.654 hộ tham gia.
Việc triển khai thực hiện các mô hình chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế gắn với tiềm năng cây trồng, vật nuôi đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tạo sự thay đổi nhận thức cho người dân và từng bước tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng sản xuất hàng hoá để phát huy hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của lực lượng lao động trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.