'Chạm vào vùng lõi' - Khi chính sách đánh thức niềm tin!

Trong hành trình phát triển đất nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi – nơi không chỉ chứa đựng sự đa dạng văn hóa, mà còn chất chứa khát vọng vươn lên giữa muôn trùng gian khó luôn được đặt vào trung tâm của những chính sách phát triển.
Khi chính sách thực sự vươn tới những “vùng lõi”, những địa bàn xa nhất, nghèo nhất, cách trở nhất, thì mới trở nên sâu sắc và bền vững. Bởi chính nơi đó là “điểm nghẽn”, thử thách không chỉ năng lực tổ chức thực hiện, mà cả chiều sâu nhân văn của các chính sách dân tộc.
Phép thử của chính sách
Không quá khó để hình dung về “vùng lõi” của những khu vực khó khăn nhất của cả nước. Đó là những xã biên giới gập ghềnh mây mù ở Tây Bắc, những cụm bản heo hút trong dãy Trường Sơn, hay các làng biệt lập trên sườn núi Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Ở đó, khoảng cách phát triển không chỉ đo bằng con số thu nhập hay tỷ lệ hộ nghèo, mà còn là khoảng cách của ngôn ngữ, của tập quán canh tác, của nhận thức, thậm chí là khoảng cách của niềm tin và sự tự ti âm thầm đeo bám qua nhiều thế hệ.
Và chính bởi lẽ đó, bất cứ chủ trương, chính sách nào, dù hay đến đâu, nếu không chạm được đến nơi ấy, không lay chuyển được tầng sâu khó khăn ấy, thì vẫn chưa thể gọi là một chuyển biến thực chất. Không thể chỉ nhìn thấy con số giải ngân để yên tâm rằng chính sách đã đến nơi, mà phải nhìn vào ánh mắt, vào bước chân, vào sự hồi sinh trong cuộc sống của những người dân ở vùng lõi khó khăn ấy mới hiểu được giá trị thật sự của một quyết sách nhân văn.
Vậy nên, cần nhấn mạnh rằng, chính sách dân tộc không thể chỉ dừng lại ở việc “phân bổ nguồn lực” hay “bao phủ hỗ trợ”. Điều cốt lõi là làm sao thay đổi được đời sống, thay đổi cách nghĩ, cách làm, khơi dậy được nội lực ngay trong những nơi từng được xem là không thể lay chuyển.
Với cách tiếp cận như thế, từ các chương trình như Chương trình 134, Chương trình 135… Nhà nước ta đã từng bước hình thành một khung chính sách bài bản, có định hướng đột phá, đặc biệt ưu tiên những vùng lõi khó khăn nhất. Và đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021–2030 (Chương trình MTQG 1719), chính sách dân tộc đã không còn đơn thuần là mang “chiếc áo chung” cho cả vùng miền, mà chính sách ấy đã được thiết kế linh hoạt, có “may đo”, có giám sát, có trách nhiệm và thấu hiểu văn hóa bản địa.
Cùng với điều đó, thực tế ở một số địa phương đã cho thấy, khi chính sách đã ưu việt, chính quyền vào cuộc một cách đồng bộ, có đội ngũ cán bộ sát dân, hiểu dân và dám chịu trách nhiệm, thì vùng lõi nghèo, dù khó khăn đến đâu cũng có thể chuyển mình. Những nơi từng bị lôi kéo, chia rẽ bởi truyền đạo trái phép, di cư tự do, từng chênh vênh giữa lằn ranh niềm tin và bất ổn, nay đã từng bước ổn định nhờ những cán bộ không quản xa xôi, bám địa bàn, lắng nghe, đồng hành từng bước cùng đồng bào các dân tộc.
Đến chuyển động từ cuộc sống
Được triển khai từ năm 2021, Chương trình MTQG 1719 đã đặt ra một mục tiêu không dễ dàng nhưng vô cùng cấp thiết và nhân văn: Vừa thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng cao và vùng thấp, vừa trao cho đồng bào DTTS cơ hội để tự đứng lên, tự làm chủ cuộc đời mình.
Hãy đến với Mường Tè, một trong những huyện biên giới xa xôi nhất của tỉnh Lai Châu, với địa hình hiểm trở, hạ tầng thiếu thốn, điều kiện sống khắc nghiệt… khiến nơi đây trở thành một “vùng lõi” của nghèo đói và cách biệt, nơi hơn 90% dân số là đồng bào DTTS, sống rải rác giữa núi rừng trùng điệp để thấy được sự đổi thay mạnh mẽ. Dù mang theo mình những lớp văn hóa đặc sắc nhưng cũng gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất trong hành trình phát triển.
Thế nhưng, cũng chính từ vùng đất tưởng như lặng lẽ bên lề ấy, từ khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, nguồn lực không còn giàn trải mà được tập trung ưu tiên cho những nơi cần nhất. Từ năm 2021 đến nay, trong khuôn khổ Chương trình MTQG 1719, Mường Tè đã được phân bổ hàng trăm tỷ đồng, riêng năm 2024 là hơn 223 tỷ đồng, tập trung cho các trục ưu tiên: phát triển hạ tầng, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ sinh kế và ổn định dân cư.
Nhờ đó, những con đường bê tông đã nối các bản làng từng biệt lập quanh năm với trung tâm xã; trẻ em đến lớp đều đặn hơn, hàng hóa giao thương dễ dàng hơn, cán bộ “có đường mà vào, có dân mà gặp”. Hơn 800 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống, công cụ sản xuất, đi kèm theo đó là các lớp tập huấn ngắn ngày bằng tiếng dân tộc liên tục được triển khai cho cán bộ.
Tất cả điều đó, không chỉ trao trợ lực, mà còn gieo lại niềm tin, biến kết quả của chính sách không nằm ở những con số khô khan, mà hiện lên trong ánh mắt của người dân bản Nậm Khao, Tà Tổng… mỗi khi nghe tin bản sẽ có công trình nước sạch, điện sáng, hay con cái được học gần nhà… Đó chính là thành quả sâu sắc nhất của một chính sách đã thực sự đến đúng nơi thử thách nhất, để từ đó, đánh thức một vùng cao từng lặng im vươn dậy.
Theo đó, sau gần 5 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những đổi thay vô cùng rõ nét. Từ những bản làng cheo leo nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa đến các cụm dân cư biệt lập giữa rừng núi, những con đường bê tông giờ đây đã vươn tới tận từng thôn xóm, mở lối cho hàng hóa, trẻ em đến lớp, người bệnh kịp thời đến trạm y tế.
Tính đến cuối năm 2024, 100% xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đã có đường ô tô được kiên cố hóa đến trung tâm, đi lại thuận tiện. 98% thôn, bản có đường giao thông cấp phối hoặc bê tông, từng bước xóa bỏ cảnh “mưa lầy, nắng bụi”, nối gần thêm những khoảng cách biệt lập…
Bức tranh giảm nghèo năm 2024 đã có những gam màu tươi sáng hơn, không chỉ trên báo cáo, mà trong từng mái nhà, từng ánh mắt người dân nơi vùng sâu, vùng xa. Trong cộng đồng đồng bào DTTS, sự chuyển mình càng rõ nét hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,55%, tức gần 4 điểm phần trăm so với năm 2023, con số không chỉ vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ, mà còn thể hiện niềm tin đang được đánh thức. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo đa chiều – thước đo toàn diện hơn về chất lượng sống đã giảm còn 4,06%, nghĩa là không chỉ cơm no, áo ấm, mà cuộc sống của người dân đang thực sự được nâng lên cả về y tế, giáo dục, nước sạch và cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Và quan trọng hơn cả, chuyển biến thực chất không chỉ là các dòng báo cáo được tô điểm, mà là sự đổi khác trong ánh mắt người dân. Là khi họ vui mừng trước một con đường không còn lầy lội, một khoản vay nhỏ giúp con được đến trường... Đó chính là dấu ấn bền vững mà chính sách dân tộc đã, đang và tiếp tục hướng tới!
Mạnh Hà