Cho thu 1-2,5 tỷ đồng/ha, tỉnh nào có diện tích sầu riêng lớn nhất sau sáp nhập?

Là “vua trái cây” cho thu từ 1-2,5 tỷ đồng mỗi ha, sau sáp nhập tỉnh nào sẽ trở thành vùng trồng sầu riêng lớn nhất ở Việt Nam?
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả. Đây là mức kỷ lục chưa từng có, đánh dấu giai đoạn tăng trưởng mới của ngành hàng thế mạnh của Việt Nam.
Ở nước ta, nhiều năm nay, sầu riêng được xem là cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương.
Kể từ giữa năm 2022, khi nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết, xuất khẩu loại trái cây này tăng phi mã, nhanh chóng trở thành “trái cây tỷ đô”.
Đáng chú ý, giá sầu riêng luôn ở mức cao giúp người nông dân đạt doanh thu từ 1-2,5 tỷ đồng/ha tùy thời điểm và sản lượng. Mức lợi nhuận của loại trái cây này là siêu khủng. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, từng tiết lộ đây là cây trồng “1 vốn 5 lời”.
Có những hộ dân chỉ một vụ thu hoạch đã lãi tới 50 tỷ đồng, trở thành tỷ phú từ chính vườn đồi của mình. Hay như có những xã, người dân trồng sầu riêng thu được cả nghìn tỷ đồng trong một năm.
Vùng trồng sầu riêng ở nước ta được phân bổ chủ yếu ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Vậy, những địa phương nào đang giữ vai trò chủ lực trong phát triển cây sầu riêng 'tỷ đô' này?
Trước sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Đắk Lắk là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ở nước ta. Theo số liệu do tỉnh này công bố, đến cuối năm 2024, diện tích trồng sầu riêng đạt 38.800ha, sản lượng khoảng 316.000 tấn. Năm 2023, nông dân của tỉnh này thu được khoảng 15.000 tỷ đồng từ bán sầu riêng.
Xếp thứ hai là tỉnh Lâm Đồng, với diện tích lên tới 25.610ha, sản lượng đạt 175.282 tấn.
Ngoài Đắk Lắk và Lâm Đồng, trong top 5 địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ở nước ta còn có Tiền Giang (19.900 ha), Đồng Nai (12.700 ha) và Đắk Nông (12.217 ha).
Thế nhưng, sau sáp nhập tỉnh, Đắk Lắk phải nhường vị trí số 1 cho tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, khi Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận hợp nhất, diện tích sầu riêng của địa phương này vọt lên 41.111ha. Theo đó, Lâm Đồng trở thành tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước.
Đắk Lắk và Phú Yên “về chung nhà”, có tổng diện tích sầu riêng là 39.600ha.
Đồng Tháp trước sáp nhập có diện tích sầu riêng khá khiêm tốn, tuy nhiên sau khi hợp nhất với Tiền Giang thì vươn lên đứng thứ ba với khoảng 24.017ha.
Cuối năm 2024, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, diện tích sầu riêng của Tiền Giang đạt hơn 19.900ha, trong đó có 12.492ha cho thu hoạch quả với sản lượng khoảng 355.000 tấn/năm.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, sầu riêng là cây trồng cho thu nhập rất cao, lên đến 1,7 tỷ đồng/ha. Do đó, người nông dân muốn chuyển đổi sang trồng sầu riêng ở những vùng có thổ nhưỡng và điều kiện thích hợp khiến diện tích tăng mạnh trong những năm gần đây.
Với khoảng 20.200ha, sau khi sáp nhập với Bình Phước, Đồng Nai giữ vững vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các địa phương trồng sầu riêng lớn nhất cả nước.
Còn TP Cần Thơ, sau khi hợp nhất với Sóc Trăng và Hậu Giang, lọt vào top 5 trong bảng xếp hạng này, với 7.699ha.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo, đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đã tăng lên con số 169.000ha, sản lượng dự kiến đạt 1,55 triệu tấn - cao kỷ lục lịch sử.
Năm nay, ngoài sầu riêng tươi nguyên quả, các doanh nghiệp bắt đầu xuất những lô sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới với tỷ trọng 91%.
Ngành sầu riêng của nước ta đặt kỳ vọng xuất khẩu có thể thu về 3,5 tỷ USD, tiếp tục là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhóm rau quả của Việt Nam.
(Bài viết sử dụng số liệu thống kê sơ bộ diện tích sầu riêng do các tỉnh, thành phố công bố đến hết năm 2024).