Nhảy đến nội dung
 

Chị Việt kiều chấn chỉnh thói quen xấu của cả họ giữa buổi tiệc

Tôi không đồng tình với quan điểm "Làm ngơ dùng đũa gắp thức ăn cho nhau vì sợ phiền". Sự dễ chịu trong giao tiếp không nên đi kèm với sự thỏa hiệp quá mức với những hành vi có thể gây khó chịu hoặc ảnh hưởng sức khỏe người khác.

Tôi xin kể cho bạn nghe một câu chuyện mà chính bản thân được chứng kiến:

Bà chị dâu tôi định cư ở nước ngoài lâu năm, mới về thăm nhà đợt rồi. Họ hàng tôi mở tiệc mừng chị về. Trong bữa tiệc đông người đó, cánh đàn ông theo thói quen thản nhiên hút thuốc lá, phun khói mù mịt khắp nhà, mặc kệ xung quanh đang có nhiều phụ nữ, trẻ em, người già và có cả một ông bác sĩ hàng xóm cũng đến dự. Tất nhiên, vì phép lịch sự, không ai trong số đó dám lên tiếng phàn nàn gì hết, kể cả ông bác sĩ, và chính tôi, dù ai cũng cảm thấy khó chịu trong lòng.

Bỗng, bà chị tôi đứng phắt dậy, nói sang sảng: "Trời đất, giờ mà còn hút thuốc hả. Mấy người tắt ngay đi, độc hại lắm đó có biết không...?". Và chị cứ ra rả nói cho đến khi tất cả đàn ông trong họ thấy ngượng và tắt hết thuốc mới thôi.

Hỏi ra, tôi mới biết ở quốc gia mà chị định cư, việc bài trừ, tẩy chay thuốc lá đã rất có hiệu quả. Từ TV, báo chí, trường học đến mạng xã hội, các thông điệp chống thuốc lá đều rất phổ biến và nhất quán. Nhờ đó, tỷ lệ hút thuốc tại nước họ đã giảm hẳn.

>> Năm đồng nghiệp cùng ngoáy đũa vào nồi lẩu chung

Thế mới thấy, chỉ một người không "tặc lưỡi nhắm mắt cho qua", không chấp nhận hết thảy những thói quen xấu trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày đã xoay chuyển được tình hình tới mức như thế. Còn chúng ta (trong đó có tôi), tại sao vẫn cứ im lặng chấp nhận những chuyện như dùng đũa gắp thức ăn cho nhau đến bao giờ?

Khéo léo trong giao tiếp và giữ hòa khí là kỹ năng sống cần thiết. Nhưng tôi vẫn không đồng tình với việc thỏa hiệp với những thói xấu của người khác. Việc nhún nhường đôi khi có thể bị hiểu sai là đồng tình. Nếu bạn luôn "cảm ơn rối rít" khi được ai đó bốc đồ ăn cho bằng tay, hay vui vẻ ăn dù người cùng bàn chọc đũa ăn dở vào nồi lẩu, thì người khác có thể nghĩ rằng bạn không thấy có gì sai. Lâu dần, hành vi đó thành "bình thường mới", và mọi người xung quanh cũng khó có lý do để thay đổi.

Chuyện "xã giao thì phải chịu" có thể dẫn tới bất công dài hạn. Có nhiều người sẽ mãi là bên phải chịu đựng hậu quả xấu nếu luôn được khuyên "phải thuận theo tập thể" dù đó là hành động sai. Trong khi thực tế, mọi người đều có quyền mong muốn một bữa ăn tập thể tối thiểu đảm bảo vệ sinh, đâu phải vì quá khó tính, mà vì đó là tiêu chuẩn chung trong xã hội hiện đại.

Xây dựng một nếp văn hóa lành mạnh, vệ sinh trong ẩm thực không chỉ để cho cá nhân tôi hay bạn mà còn là cho những thế hệ mai sau. Nếu thế hệ chúng ta không lên tiếng, không dám góp ý hay cải thiện, thì con cháu chúng ta sau này cũng sẽ phải sống trong môi trường "ngại góp ý", phải nuốt trôi sự khó chịu trong những buổi tiệc "giao lưu là chính", và rồi sẽ chẳng có gì thay đổi cả!

Ánh Dương