Cây bút trẻ thành tâm điểm làng văn

Ra mắt văn đàn ở tuổi ngoài 20, tác giả Giai Du gây ấn tượng với những tác phẩm đầu tay liên tục thử thách và làm mới chính mình trong chủ đề và cách tiếp cận.
Vượt qua hơn 600 tác phẩm dự thi khác, truyện dài Nên làm gì khi trời nổi gió của Giai Du giành giải Nhất Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất.
Trước khi trở thành tâm điểm tại lễ trao giải, gây ấn tượng với phong thái tự tin, cách trả lời lưu loát và tràn trề nhiệt huyết, Giai Du đã chạm ngõ văn chương với ba tác phẩm lần lượt ra mắt mấy năm qua: Chiều chiều quạ nói với diều (2023), Kiện trời (2024), Lân Tinh (2025).
![]() |
Tác giả trẻ Giai Du. Ảnh: Hồ Lam. |
Các tác phẩm này theo đuổi những chủ đề, chất vấn những câu hỏi khác nhau, cho thấy dáng dấp một tác giả trẻ giàu tiềm năng và không ngại thử thách bản thân, song cả ba đều có một điểm chung: bối cảnh và lời văn đậm chất miền Tây sông nước.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Giai Du cho biết lựa chọn này xuất phát từ mong muốn kể những câu chuyện gần gũi với đời sống của bản thân. Nhưng Giai Du không cho đây là "điểm ổn định" trong sáng tác của mình.
Tác giả trẻ chủ động tìm kiếm độc giả
Tác giả 24 tuổi chia sẻ rằng khi viết sẽ luôn đi từ ý tưởng cốt lõi, sau đó mới lựa chọn bối cảnh, hình thức truyền tải. Do đó, yếu tố khung cảnh và con người Nam Bộ có trong các tác phẩm đã xuất bản là vì phù hợp, chứ không mặc nhiên sẽ tiếp tục xuất hiện trong những sáng tác sau này của Giai Du. "Các tác phẩm tôi viết trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi về bối cảnh và yếu tố văn hóa", anh nói.
![]() |
Các tác phẩm đã xuất bản của Giai Du: Chiều chiều quạ nói với diều (2023), Kiện trời (2024), Lân Tinh (2025). |
Giai Du kể đã tập tành sáng tác những câu chuyện đơn giản từ khi còn nhỏ, nhưng phải đến gần 20 tuổi mới bắt đầu ý thức về việc sáng tác một cách nghiêm túc và hoàn thiện tác phẩm đầu tay.
Trước cuốn sách đầu tiên xuất bản là Chiều chiều quạ nói với diều, Giai Du có một truyện ngắn đến giờ vẫn còn lưu giữ lại. "Vì dung lượng vượt hơn một truyện ngắn đăng báo và cũng không đủ để xuất bản riêng nên đến nay vẫn chưa công bố. Đó là một truyện ngắn thú vị, hy vọng tương lai có thể ra mắt bạn đọc", chàng trai sinh năm 2001 nói.
Giai Du cho rằng mình là "người viết có nhiều may mắn" vì ngay từ tác phẩm đầu tay gửi đến ban biên tập đã được Nhà xuất bản Kim Đồng đánh giá tốt và hợp tác xuất bản, từ đó mở ra con đường tiếp cận xuất bản khá thuận lợi.
Song song đó, Giai Du từng đăng nhiều truyện lên các nền tảng online, đến hiện tại vẫn tiếp tục cập nhật thường xuyên. Theo anh, các nền tảng viết và đăng tác phẩm trực tuyến có số lượng người truy cập đông đảo, do đó hiện diện tại đây giúp tác giả dễ dàng phổ biến tác phẩm, thao tác thuận tiện, tạo ra một cộng đồng quan tâm riêng và nhiều mối quan hệ giữa các bạn đồng nghiệp.
"Quan trọng nhất với mình, việc tự do đăng tải tác phẩm lên nền tảng online còn giúp người viết chủ động trong mọi việc: thời gian đăng tải, kiểm soát tác phẩm, định hướng đối tượng độc giả, tự do biên tập không gò bó, cộng đồng mở và thoải mái vì hầu hết đều là các bạn trẻ chập chững sáng tác giống mình", Giai Du bộc bạch.
Cơ hội để văn chương soi xét lại chính mình
Không chỉ sáng tác văn chương, Giai Du tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn học và hiện theo học Thạc sĩ Lý luận Văn học tại TP.HCM.
Tác giả trẻ chia sẻ môi trường học thuật này cho anh nhiều không gian để suy tư về việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật: "Nếu không theo ngành học này, có lẽ nhận thức của tôi về văn chương sẽ có nhiều khác biệt với hiện tại. Theo đuổi chuyên ngành giúp tôi luôn được đặt trong môi trường tiếp cận chủ động với nhiều nguồn thẩm mỹ, nhiều trường phái, những tác phẩm và nhà văn lớn, từ đó hỗ trợ tôi trong việc tìm ra hướng đi trong vai trò sáng tác", anh nói.
Trong tương quan với những loại hình nghệ thuật khác thì văn chương có những giá trị gì, những lợi thế nào, có những điểm nào cần phát huy và điểm nào có thể phát triển tốt hơn? Tất cả đều là câu hỏi đi vào bản chất tồn tại của văn chương mà nếu không có quá trình cọ xát với những phương tiện khác thì sẽ khó để trả lời.
Tác giả Giai Du
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông đa phương tiện và nhiều hình thức giải trí khác, cùng sự "chen chân" của AI vào hầu khắp các ngành công nghiệp sáng tạo, Giai Du chia sẻ "không quá bi quan" về tương lai của văn học, nghệ thuật: "Việc sáng tạo đang đứng trước một thách thức lớn và thách thức đôi khi cũng là một điều tốt".
Anh cho rằng các phương tiện phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ và giải trí khác không nên là mối lo sợ, mà là cơ hội để văn chương và sách vở soi xét lại chính mình. Còn AI hiện là một nỗi lo lớn trong lòng những người sáng tác và hoạt động nghệ thuật, "nhưng nó là đối thủ hay đồng minh thì phải đợi thời gian trả lời". Giai Du tin rằng sẽ có cách và những luật lệ ràng buộc giữa con người với AI, sẽ có những giới hạn đạo đức được đặt ra.
Ở góc độ cá nhân, Giai Du không ngần ngại khẳng định tham vọng đổi mới bản thân qua từng tác phẩm và từng chặng đường sáng tác với nhiều thử nghiệm từ nhỏ đến lớn.
"Văn chương đối với tôi là một hành trình khám phá hơn là đi tìm sự “ổn định”, tôi vẫn chưa muốn định hình bản thân vào thời điểm hiện tại. Trong tương lai tôi còn rất nhiều điều muốn làm và chắc chắn phải làm để giúp bản thân không bị cũ kỹ, không bị chán chính mình. Tôi không ngần ngại tiến vào những thách thức mới, ngược lại, tôi khá hào hứng với những điều mới mẻ", Giai Du nói.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.