Canon: Khởi đầu từ cơn giận, sao chép sản phẩm đến đế chế máy ảnh toàn cầu

(Dân trí) - Bắt đầu từ sự thất vọng và một chiếc máy ảnh bị "mổ xẻ", Canon đã viết nên hành trình khởi nghiệp kỳ lạ và đáng kinh ngạc bậc nhất của ngành công nghệ Nhật Bản.
Câu chuyện của Canon là minh chứng cho thấy sao chép không phải là điều xấu, mà là bước đệm để sáng tạo và chinh phục thế giới.
Bắt đầu từ một cơn giận
Năm 1933, tại một xưởng nhỏ ở Tokyo (Nhật Bản), người thợ tên là Goro Yoshida đang miệt mài tháo tung một chiếc máy ảnh Leica Model II. Ông vốn là thợ chuyên sửa máy ảnh cho những người đam mê bộ môn này.
Tại thời điểm này, Leica Model II và Contax Model 1 là 2 mẫu máy ảnh camera 35mm đẳng cấp nhất thế giới do Đức sản xuất. Một chiếc Leica II có giá lên tới hàng trăm USD, tương đương một nửa chiếc ô tô Ford Model A.
Sau khi tháo tung chiếc Leica Model II đắt tiền vừa mới mua của mình, Goro Yoshida thất vọng tột độ. Những linh kiện bên trong chiếc máy ảnh vốn được xem là niềm mơ ước của nhiều người - thực chất chỉ được làm từ vật liệu rẻ tiền như đồng thau, nhôm, sắt và cao su.
"Tại sao máy ảnh Đức lại đắt đỏ đến như vậy trong khi bản chất kỹ thuật chẳng có gì quá phức tạp?", Yoshida tức giận.
Tinh thần chiến binh Samurai của người Nhật bừng tỉnh trong ông. Yoshida quyết tâm rằng người Nhật cũng có thể làm máy ảnh 35mm, thậm chí là làm tốt hơn. Ông cùng anh rể Saburo Uchida và người bạn Takeo Maeda lập nên một "phòng thí nghiệm quang học" nhỏ. Mục tiêu đầu tiên của họ là sao chép để hiểu cách máy ảnh 35mm hoạt động, rồi từ đó cải tiến sau.
Chiếc máy ảnh đầu tiên mang tên Quan Nông
Chỉ một năm sau, vào năm 1934, chiếc máy ảnh 35mm đầu tiên "Made in Japan" ra đời và được nhóm của Yoshida đặt mang tên Kwanon (Quan Nông), theo tên Bồ Tát Quan Âm. Dù chỉ là bản thử nghiệm, chưa có ống kính, nhưng chiếc máy ảnh này đã gây ấn tượng mạnh bởi ngoại hình "chẳng khác gì hàng Đức xịn".
Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm hoàn chỉnh, nhóm của Yoshida cần vốn và kỹ thuật ống kính. Và thời điểm ấy, một nhân vật quan trọng xuất hiện: Takeshi Mitarai - một bác sĩ y khoa đồng thời là nhà đầu tư tiềm lực. Ông không chỉ rót vốn mà còn trực tiếp tham gia điều hành, biến phòng thí nghiệm nhỏ thành Công ty TNHH Công nghiệp quang học chính xác năm 1937.
Để giải bài toán ống kính, Kwanon (khi ấy vẫn chưa đổi tên) hợp tác với Nippon Kogaku. Lúc này, Nippon Kogaky là nhà sản xuất thiết bị quang học lớn nhất Nhật Bản, chủ yếu chuyên sản xuất thiết bị quân sự và đang có kế hoạch thâm nhập thị trường dân sự dưới dạng ống kính cao cấp.
Nippon sản xuất ống kính, ngàm, kính ngắm và cơ chế máy đo khoảng cách, trong khi Công ty TNHH Công nghiệp quang học chịu trách nhiệm về thân máy ảnh chính. Thật trớ trêu, Nippon Kogaku Kogyo sau này trở thành Tập đoàn Nikon, vẫn là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Canon.
Kwanon chỉ là một nguyên mẫu, nhưng phiên bản kế nhiệm của nó là Hansa Canon được sản xuất vào năm 1936 là máy ảnh 35mm chất lượng cao đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Nhật Bản.
Ngày 10/8/1937 là ngày thành lập chính thức của Tập đoàn Canon với sứ mệnh đầy tham vọng là "Bắt kịp và vượt qua Leica". Takeshi Mitarai trở thành chủ tịch đầu tiên, đã bắt đầu. Chiến tranh thế giới thứ hai đã dừng lại phần lớn hoạt động sản xuất của Nhật Bản do tình hình hỗn loạn bao trùm đất nước.
Cơ hội vàng từ khủng hoảng
Khi Thế chiến thứ 2 nổ ra, Nhật Bản hạn chế tối đa việc nhập khẩu. Trong cơn khan hiếm máy ảnh Đức, các sản phẩm nội địa như Canon trở thành lựa chọn thay thế lý tưởng. Hansa Canon nhanh chóng chiếm được lòng tin người dùng nhờ chất lượng ổn, giá mềm, lại là hàng Nhật.
Không chỉ dừng ở nhiếp ảnh thông thường, Canon còn tiến xa hơn trong lĩnh vực y tế. Họ cho ra đời dòng máy X-quang đầu tiên của Nhật với tính năng ống kính rung trường - cho phép thay đổi độ phóng đại mà không cần di chuyển máy hay bệnh nhân. Một sáng kiến tiết kiệm thời gian, giảm sai số và mở ra thị trường hoàn toàn mới.
Năm 1947, công ty chính thức đổi tên thành Canon - một cách viết quốc tế hóa của "Kwanon", đồng thời mang hàm ý "khuôn mẫu, tiêu chuẩn". Tên gọi mới thể hiện khát vọng vươn ra thế giới, đặt ra tiêu chuẩn mới cho ngành quang học.
Khác với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thời đó, Canon áp dụng triết lý quản trị cực kỳ hiện đại là chọn lãnh đạo dựa trên năng lực, không dựa vào xuất thân hay quan hệ. Trong một xã hội chuộng thứ bậc và con ông cháu cha, đó là một cuộc cách mạng thầm lặng nhưng quyết liệt.
Tới năm 1959, Canon tung ra sản phẩm máy ảnh SLR đầu tiên của mình, chính thức bước vào cuộc chiến sòng phẳng với đối tác cũ là Nikon.
Không dừng ở nhiếp ảnh, năm 1964 Canon gây bất ngờ khi ra mắt chiếc máy tính điện tử 10 phím đầu tiên của Nhật. Đây là bước ngoặt đưa hãng lấn sân sang lĩnh vực thiết bị văn phòng, tiền đề cho những dòng máy photocopy, máy in sau này.
Tuy nhiên, suốt nhiều thập kỷ, Canon vẫn bị xếp "chiếu dưới" so với Nikon trong mắt các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Mãi đến năm 2003, thế cờ mới thực sự xoay chuyển.
Năm 2003, tập đoàn này ra mắt EOS 300D - chiếc DSLR đầu tiên trên thế giới có giá dưới 1.000 USD . Trong bối cảnh DSLR còn là "hàng hiệu cao cấp" dành cho giới chuyên nghiệp, động thái này đã mở toang cánh cửa cho người dùng phổ thông bước vào thế giới nhiếp ảnh chất lượng cao.
Ngay lập tức, thị trường bùng nổ, Canon chính thức vượt mặt Nikon, vươn lên dẫn đầu thị phần DSLR toàn cầu và duy trì vị trí này suốt hơn một thập kỷ.
Theo báo cáo năm 2023, tập đoàn này chiếm tới 46,5% thị phần máy ảnh kỹ thuật số toàn cầu, tương đương 3,34 triệu máy bán ra. Một con số khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải nể phục.