Cảnh sát cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, chưa từng xuất hiện, nạn nhân biết rõ bị lừa nhưng vẫn “chuyển” hơn 359 triệu đồng cho kẻ gian

Một phụ nữ trẻ ở Trung Quốc suýt bị lừa mất 100.000 NDT vì tin vào một “dự án đầu tư” qua ứng dụng tìm việc làm.
Theo Sohu, một vụ lừa đảo khó tin xảy ra gần đây tại Trung Quốc khiến dư luận đất nước này xôn xao. Theo đó, một phụ nữ trẻ họ Phương ở Thượng Hải đã tự tay chôn 100.000 NDT ( hơn 359 triệu đồng) tiền mặt xuống đất để giao dịch cho nhóm lừa đảo chỉ vì tin vào một "cơ hội đầu tư sinh lời cao". Đáng chú ý hơn, đây không phải nạn nhân duy nhất. Đằng sau vụ việc này là một đường dây lừa đảo tinh vi, được vận hành chuyên nghiệp, đánh trúng tâm lý và niềm tin của những người trẻ nhẹ dạ cả tin.
Từ "việc nhẹ lương cao" đến cú lừa tiền tỷ
Đầu tháng 4/2025, chị Phương nhận được một tin nhắn từ một nền tảng tuyển dụng việc làm. Nội dung liên quan đến việc làm bán thời gian, có lương cao ở một công ty công nghệ trong khu vực. Vì đang có nhu cầu tìm việc làm, chị Phương đã tải xuống một ứng dụng để nhận nhiệm vụ và thực hiện các thao như hướng dẫn trong tin nhắn để kiếm tiền.
Ban đầu, hệ thống cho thấy người phụ nữ này đã được chuyển vài trăm NDT sau mỗi nhiệm vụ. Tuy không thể rút tiền ngay, nhưng giao diện chuyên nghiệp và cách làm việc "bài bản" khiến chị Phương rất tin tưởng.
Theo cảnh sát địa phương, đây là bước đầu tiên trong chiêu trò "dẫn dụ bằng phần thưởng" của nhóm lừa đảo. Lúc này, kẻ xấu sẽ cho nạn nhân nếm thử chút "mật ngọt" để khơi dậy lòng tham và làm suy yếu cảnh giác của họ. Sau đó, chúng sẽ nâng mức độ nhiệm vụ và phần thưởng tăng dần lên, kéo theo yêu cầu "nạp thêm tiền" để người dùng được quyền rút tiền. Qua từng nhiệm vụ, chị Phương đã đầu tư hơn 30.000 NDT vào ứng dụng trên mà không hề hay biết mình đã sập bẫy lừa đảo.
Khi số tiền nạp vào càng nhiều, nạn nhân sẽ bị nhấn chìm trong những vòng nhiệm vụ dày đặc, hệ thống lỗi, tài khoản bị khóa và liên tục bị yêu cầu đóng thêm tiền để “mở khóa” tài khoản. Đỉnh cao của chiêu lừa thức lừa đảo này là khi những kẻ đứng sau yêu cầu chị Phương thực hiện "hoạt động ngoại tuyến" để "giải ngân khoản đầu tư". Lý do được chúng đưa ra là nền tảng đang bị điều tra, việc chuyển khoản sẽ dễ bị theo dõi và phát hiện. Từ đó, chúng khuyên người dùng bọc tiền mặt vào túi bóng đen và chôn ở một vị trí cụ thể theo hướng dẫn và gửi tọa độ cho “bộ phận tài chính”.
Mặc dù yêu cầu này rất phi ý nhưng lúc này, chị Phương đang trong trạng thái hoang mang và mong muốn lấy lại tiền nên đã làm theo chỉ dẫn của bọn lừa đảo. Cứ như vậy, chị một mình lái xe ra vùng ngoại ô và chôn 100.000 NDT dưới đất. Xong xuôi, người phụ nữ này chụp ảnh và gửi tọa độ nơi dấu tiền, rồi chờ lệnh rút tiền từ ứng dụng. Tuy nhiên, thứ chị Phương nhận được lại là thông báo yêu cầu tiếp tục nạp thêm tiền.
Khi tỉnh táo nhận ra mình bị lừa, chị Phương đã trình báo sự việc cho cảnh sát địa phương. Nhờ tọa độ mà người phụ nữ này cung cấp, cảnh sát đã mai phục và bắt giữ thành công đối tượng họ Kiều – người đến "thu tiền". Tuy nhiên, Kiều chỉ là mắt xích cuối cùng trong đường dây rửa tiền xuyên biên giới.
Triệt phá đường dây lừa đảo tinh vi
Qua điều tra, cảnh sát địa phương phát hiện một hệ thống lừa đảo có tổ chức, được phân thành 3 nhóm với nhiệm vụ rõ ràng: Nhóm trinh sát khảo sát và lựa chọn các địa điểm chôn tiền tránh camera giám sát; Nhóm dụ dỗ giả danh nhân viên công ty công nghệ, nhân sự hoặc tư vấn tài chính tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội; Nhóm chuyển tiền chuyên thu gom tiền mặt đã chôn và chuyển về các tài khoản nước ngoài.
Tất cả nhóm lừa đảo này được vận hành qua máy chủ ở nước ngoài với mức bảo mật cao. Mỗi nhóm hoạt động độc lập, không biết nhau nhưng vô cùng hiệu quả. Điều đáng nói là nạn nhân của nhóm đối tượng này không hề "ngây thơ" như nhiều người nghĩ. Chị Phương và nhiều người khác đều là những người có học vấn cao, am hiểu công nghệ và có tài chính khá ổn định. Họ trở thành mục tiêu "ưu tiên" vì dễ bị đánh lừa bởi mô hình lừa đảo tinh vi và chuyên nghiệp.
Cảnh sát địa phương giải thích rằng trong tâm lý học, hiện tượng này gọi là “bẫy chi phí chìm” – khi con người đã đầu tư quá nhiều vào một điều gì đó, họ khó lòng từ bỏ dù biết mình đang sai. Ban đầu, chị Phương chỉ muốn kiếm thêm thu nhập, thế nhưng càng lún sâu, người phụ nữ này càng bị tâm lý "cố gắng gỡ gạc" chi phối.
Từ vài trăm NDT đến hàng chục nghìn NDT, mỗi bước đi của nạn nhân là một cái bẫy tâm lý được nhóm lừa đảo tính toán kỹ lưỡng. Chúng hiểu rõ nỗi sợ mất mát, lòng tham của nạn nhân, từ đó thiết kế chuỗi nhiệm vụ và phản hồi giả tưởng để giữ chặt nạn nhân, không cho họ thoát ra. Khi phát hiện mình bị lừa, nhiều người còn không hề cho rằng mình mất tiền vì “ngu ngốc”, mà đau đáu vì “đã đầu tư quá nhiều để bỏ cuộc”. Vụ việc trên chính là hồi chuông cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao đang âm thầm bủa vây giới trẻ.
(Theo Sohu)