'Cắm' cả tài khoản Facebook, Zalo cá nhân để… vay tiền

Chỉ cần "cắm" tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, cung cấp tên đăng nhập cùng mật khẩu Facebook, Zalo là có thể vay tiền. Vòng xoáy tín dụng đen kiểu mới này tiềm ẩn không ít rủi ro.
Vay 8 triệu đồng nhưng phải trả 11 triệu đồng trong 22 ngày
Tại những hội, nhóm kín trên Facebook, có không ít tài khoản đăng bài với nội dung: "Chỉ cần bạn giao tài khoản Zalo, Facebook, cấp quyền truy cập là chúng tôi sẽ giải ngân tiền nhanh chóng vào tài khoản ngân hàng của bạn trong vòng vài phút".
Bên cạnh đó là nhan nhản những tài khoản với các tên: "Hỗ trợ thế chấp Zalo", "Vay nhanh bằng Zalo", "Vay tiêu dùng qua Zalo - Facebook"… cũng tìm kiếm người vay trên các hội, nhóm này.
Tài khoản Phong Tran Thanh, cho biết có cho vay bằng cách thế chấp tài khoản Facebook, Zalo. Yêu cầu mà người này đưa ra là: "Tài khoản đã sử dụng lâu, có nhiều bạn bè".
Về lãi khoản, người này báo: "Mỗi tài khoản (hoặc Zalo, hoặc Facebook – PV) được vay 5 triệu đồng. Nếu vay 5 triệu đồng, mỗi ngày đóng 250.000 đồng, trong vòng 24 ngày".
Cụ thể hơn, tài khoản Phong Tran Thanh nói: "Vay 5 triệu đồng, nhưng chỉ được chuyển 4 triệu đồng. Vì 500.000 đồng là lệ phí làm hồ sơ. 500.000 đồng là 2 ngày lãi, ngày đầu vay và ngày cuối cùng, phải lấy trước".
Tài khoản Ly Na thì cho biết: "Thế chấp tài khoản Zalo có thể vay 10 triệu đồng". "Vay 10 triệu đồng, làm giấy nợ 12 triệu đồng, trả trong 24 ngày, mỗi ngày 500.000 đồng. Ok thì tiến hành", người này nói.
Cũng theo người này: "Phải đóng phí 10%, đồng thời đóng trước 2 ngày lãi. Có nghĩa vay 10 triệu đồng, sẽ được chuyển khoản nhận tiền 8 triệu đồng, nhưng trả 11 triệu đồng".
Vòng xoáy nợ nần
Theo tìm hiểu của PV, nhiều người cho vay giống như các tài khoản Ly Na, Phong Tran Thanh. Những người này có chung "công thức" cho vay: cho vay cao nhất là 10 triệu đồng, thấp nhất là 5 triệu đồng, yêu cầu thanh toán trong 24 ngày, số tiền người vay nhận được chỉ còn 80%, 10% bị đưa vào khoản "chi phí làm hồ sơ", 10% là tiền đóng lãi 2 ngày…
Đã có những trường hợp trả giá đắt vì "cắm" danh tính ảo bằng các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để vay tiền, khi "trả hoài không hết nợ".
Đỗ Công Khôi (27 tuổi), ngụ ở 15/7 đường số 7 (P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết vì… lỡ dại đã "cắm" tài khoản Zalo để vay tiền. "Trong lúc ngặt nghèo, thấy vay không cần thế chấp tài sản, giấy tờ, nên đã cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu Zalo nhằm vay tiền. Tôi vay 6 triệu đồng. Nhận được 4,8 triệu đồng, nhưng làm giấy vay nợ 6,6 triệu đồng. Mỗi ngày đóng lãi 300.000 đồng", Khôi kể.
Theo Khôi: "Vì chạy xe ôm công nghệ nên không phải ngày nào cũng có đủ số tiền để đóng lãi. Khi thanh toán đã được 14 ngày, đến ngày thứ 15, tôi chưa chuyển tiền lãi lúc 5 giờ chiều là hàng loạt số điện thoại gọi đến chửi mắng, dọa dẫm. Tôi bắt buộc phải "đáo dây", vay tiếp. Cũng với khoản vay tương tự, nhưng số tiền nhận được chẳng bao nhiêu vì phải trừ đi số tiền lãi của 10 ngày còn lại".
"Và gần 4 tháng nay, từ khoản vay ban đầu chỉ nhận được 4,8 triệu đồng, tôi không thể đếm nổi là đã trả bao nhiêu tiền. Tôi cảm thấy sợ", Khôi nói.
Trên các nhóm "Cho vay bằng Zalo", "Cho vay bằng tài khoản Facebook"…, nhiều tài khoản ẩn danh ta thán việc cuộc sống bị chao đảo bởi dính vào vòng xoáy nợ nần từ những khoản vay "cắm" tài khoản Zalo, Facebook.
Có người than thở, số tiền vay ban đầu chỉ 5 triệu đồng (thực nhận 4 triệu đồng), nhưng trả hơn 65 triệu đồng vẫn chưa thanh toán xong vì "nợ chồng nợ", "lãi chồng lãi".
Cái bẫy khi "cắm" tài khoản Zalo, Facebook để vay tiền
Theo anh Trương Hoàng Bảo, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, thời gian qua, hình thức "cắm" tài khoản mạng xã hội để vay tiền đã và đang được các nhóm cho vay lãi cao khai thác tối đa. Thay vì yêu cầu thế chấp tài sản, giấy tờ, những người cho vay chỉ cần người vay cung cấp thông tin cụ thể của tài khoản Zalo, Facebook (tên đăng nhập là email hoặc số điện thoại, mật khẩu…), với mục đích kiểm tra "uy tín", nhưng thực chất là thu thập thông tin để khống chế sau này.
"Hình thức cho vay này đang hướng đến giới sinh viên, lao động tự do, những người không tiếp cận được với kênh tín dụng ngân hàng do không có tài sản hay thu nhập ổn định", anh Bảo nói.
Anh Bảo cho rằng hình thức vay tín dụng đen bằng cách "cắm" tài khoản cá nhân Facebook, Zalo tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Nếu được vay tiền, sẽ dễ bị "chôn chặt" trong nợ nần, với lãi suất cao. Bên cạnh đó, có thể gặp kẻ lừa đảo. Khi cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản Zalo, Facebook lập tức bị chiếm lấy, bị thay đổi tên đăng nhập, dẫn đến mất tài khoản mà không có cách nào lấy lại được. Ngoài ra, kẻ lừa đảo có thể sử dụng tài khoản Zalo, Facebook của người liên hệ vay tiền, dùng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nhắn tin mượn tiền, lừa đảo. Việc "cắm" tài khoản Zalo, Facebook để vay tiền chỉ rước họa vào thân. Hoặc rơi vào tình cảnh nợ nần túng quẫn, hoặc gặp nguy cơ mất quyền kiểm soát danh tính số là hình ảnh, tên tuổi, mối quan hệ…", anh Bảo phân tích.
"Đừng vì thấy những lời quảng cáo dễ vay, nhanh chóng giải ngân, không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp, chỉ cần có tài khoản Zalo, Facebook… mà vội vàng vay tiền. Đấy là cái bẫy. Sa vào cái bẫy ấy sẽ khiến cuộc sống đảo lộn, bế tắc", anh Bảo nói và cho rằng: "Khi danh tính số là tài khoản mạng xã hội cũng có thể trở thành tài sản thế chấp, khi người cho vay chỉ cần quyền truy cập thì người trẻ cần tỉnh táo hơn bao giờ hết. Chỉ một phút khó khăn muốn có tiền, đồng ý giao tài khoản mạng xã hội cho người khác để vay tiền là có thể biến bản thân trở thành con nợ cả đời".