Cái giá của việc giữ bí mật

Nghiên cứu năm 2024 của Phó giáo sư Michael Slepian, Đại học Kinh doanh Columbia (Mỹ) đã tổng hợp những phát hiện quan trọng về hành vi này và tác động tâm lý của nó trong đời sống hằng ngày.
Slepian chỉ ra nhiều nghiên cứu trước đây hay nhầm lẫn giữa "giữ bí mật" (secrecy) và "che giấu" (concealment), trong khi hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Chẳng hạn, bạn có thể không đề cập đến một điều gì đó trong cuộc trò chuyện, không vì đó là bí mật mà đơn giản vì phép lịch sự hoặc không liên quan. Còn "giữ bí mật" là một ý định, tức bạn chủ động không chia sẻ một thông tin nào đó.
Nhiều người nghĩ việc phải giữ bí mật gây khó chịu nhất, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra những lúc tâm trí tự động nhớ đến bí mật mới hao tổn tinh thần.
Càng nghĩ đến bí mật ngoài những lúc cần giấu, tinh thần càng dễ mệt mỏi. Lý do vì bạn dễ cảm thấy tội lỗi, cô lập, bất an và không sống thật với mình. Những yếu tố này làm giảm chất lượng cuộc sống.
Não bộ con người vốn thích xử lý việc còn dang dở, mà phần lớn bí mật là chuyện chưa giải quyết xong. Nó cứ lặp lại trong đầu nên mọi người càng ám ảnh.
Theo các chuyên gia, giữ bí mật là việc hao tổn tinh thần, song nếu buộc phải làm, hãy rèn luyện khả năng kiểm soát cảm xúc. Bạn tập trung vào mục tiêu tích cực của việc giữ bí mật (như để bảo vệ người khác) thay vì để cảm giác tội lỗi chi phối.
Đồng thời bạn nên xác định rõ mục tiêu. Bí mật càng có mục tiêu rõ ràng, ví dụ chưa tiện công bố, chờ đúng thời điểm, sẽ càng dễ chịu đựng hơn.
Đôi khi, cách tốt nhất để thoát khỏi gánh nặng là nói ra. Bạn có thể thú nhận với người liên quan hoặc một người đáng tin. Nghiên cứu cho thấy, việc chia sẻ đúng người giúp giảm stress, cải thiện tinh thần và củng cố cảm giác được kết nối.
Tuy nhiên, chọn người nghe cũng quan trọng không kém. Hãy chọn một người thấu hiểu, không phán xét, sẵn sàng lắng nghe và có giá trị sống tương đồng, đồng thời không cảm thấy quá gánh nặng với bí mật ấy.
Bảo Nhiên (Theo Psychology Today)