Nhảy đến nội dung
 

Cải cách để phát triển đất nước

Nhấn mạnh thêm các yêu cầu, lưu ý trong triển khai Nghị quyết Hội nghị T.Ư 11, Tổng Bí thư nêu rõ phải xác định đây là cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.

Sáng 16.4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết T.Ư 11 khóa XIII. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị tham dự hội nghị.

LẮNG NGHE Ý KIẾN NHÂN DÂN KHI SÁP NHẬP TỈNH, XÃ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Hội nghị T.Ư 11 là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề quan trọng, đột phá cho giai đoạn cách mạng mới; tạo ra khí thế mới, xu hướng mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Trên cơ sở sự thống nhất tuyệt đối, T.Ư đã ban hành Nghị quyết 60 ngày 12.4 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung vào 2 vấn đề tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Theo Tổng Bí thư, 2 vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau và đều là những vấn đề trọng tâm, cấp bách mà chúng ta phải tập trung thực hiện ngay sau hội nghị này đến hết năm nay.

Tổng Bí thư nêu rõ hội nghị đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng quán triệt 3 nhóm nội dung cốt lõi của Hội nghị T.Ư 11 và các văn bản triển khai. Về cơ bản chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ chức quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, sau hội nghị là bắt tay thực hiện được ngay.

Nhấn mạnh thêm các yêu cầu, lưu ý trong triển khai Nghị quyết Hội nghị T.Ư 11, Tổng Bí thư nêu rõ phải xác định đây là cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải triển khai quyết liệt công việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài", phối hợp nhịp nhàng từ T.Ư đến địa phương và giữa các địa phương với nhau. "Không được có tư tưởng quyền anh, quyền tôi, địa phương này, địa phương kia, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu triển khai các công việc trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, không nóng vội; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó và phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa đại khái bất cứ công việc nào. Đồng thời tăng cường thông tin, tạo sự đồng thuận, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, xã.

VƯỢT QUA TÂM LÝ VÙNG MIỀN

Tổng Bí thư nêu rõ việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài, ít nhất là trong 100 năm tới và đã được T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất cao.

Khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, sắp xếp xã sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Theo Tổng Bí thư, đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê quán, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, Tổng Bí thư cho rằng cần phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn, phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước. "Phải vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn: Đất nước là quê hương", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, tinh gọn bộ máy chính trị, sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện không đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, là cơ hội để sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn mới.

Tổng Bí thư yêu cầu việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính phải quyết liệt khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng", không được để gián đoạn công việc. Bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ. Chính quyền địa phương sau khi sắp xếp đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân.

Tổng Bí thư yêu cầu các địa phương trong quá trình thực hiện phải hết sức chủ động, trách nhiệm. Tránh xu hướng sáp nhập các xã, phường quá rộng, như một cấp huyện thu nhỏ, dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân, biến chủ trương "không tổ chức cấp huyện" thành "không tổ chức cấp xã". Cùng đó, tránh sáp nhập các xã, phường quá nhỏ dẫn đến hạn chế không gian phát triển…

Tổng Bí thư lưu ý nhất quán nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đẩy mạnh phân quyền từ T.Ư về cấp tỉnh. Cấp cơ sở tổ chức thực hiện chính sách (từ T.Ư và tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn.

Không có chỗ cho cán bộ cơ hội, ngại đổi mới, thu vén cá nhân

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư lưu ý diện cán bộ bị tác động trong đợt sắp xếp, sáp nhập này là rất lớn. Chủ trương là bố trí biên chế như hiện có để ổn định. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế từng cấp.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, xã sau khi sáp nhập. Đặc biệt là tính toán liên thông 4 giai đoạn: bố trí cán bộ sau sáp nhập - nhân sự đại hội Đảng cấp tỉnh, xã - nhân sự Đại hội XIV - nhân sự bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.

Tổng Bí thư nhấn mạnh tiêu chí đầu tiên bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước.

Tổng Bí thư chỉ rõ trong tình hình hiện nay không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. "Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu phải tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn", Tổng Bí thư nêu.

Về văn kiện đại hội đảng các cấp, Tổng Bí thư cho biết dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã bổ sung nhiều nội dung mới thể hiện tư duy, tầm nhìn mới cho phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (vào 2030 và 2045). Trong đó có những vấn đề cốt lõi như "xác lập mô hình tăng trưởng mới", xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại để phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Cho biết đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV diễn ra trong bối cảnh cùng lúc thực hiện nhiều việc lớn mang tính cách mạng, Tổng Bí thư lưu ý các địa phương cần tập trung chỉ đạo việc tổ chức đại hội đảng các cấp, nhất là địa phương mới sáp nhập, hợp nhất. Lưu ý cần coi trọng nhiều hơn nữa cho các văn kiện vì một số nơi đang có biểu hiện xem nhẹ vấn đề này, chủ yếu tập trung cho phương án nhân sự.

Tổng Bí thư cho hay sắp tới T.Ư sẽ bàn nhiều hơn về mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam như thế nào. Đây là vấn đề lớn cần quan tâm vì hiện thế giới đã đi quá xa và đi rất nhanh. Nếu không thay đổi chúng ta sẽ lạc hậu, không theo kịp.

Trong bối cảnh này, mặc dù chưa sáp nhập tỉnh chính thức nhưng phải tư duy, suy nghĩ vạch ra đường lối phát triển của tỉnh mới, xã mới thành lập dựa trên không gian, dư địa, nguồn lực mới. Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là công việc rất quan trọng cần đầu tư trí tuệ, công sức và sự phối hợp chặt chẽ thực hiện.