Ca cao tăng giá kỷ lục, nông dân mừng trúng lớn, nhà máy lại muộn phiền

(Dân trí) - Từng là cây trồng bị lãng quên, đến nay, ca cao đạt giá kỷ lục hơn 200.000 đồng/kg khiến nông dân phấn khởi. Ngược lại, doanh nghiệp chế biến lại lo lắng khi giá ca cao tăng gây khó khăn cho sản xuất.
Nông dân trúng lớn với ca cao
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 1.000ha ca cao, những năm qua, cây ca cao không được nông dân chú trọng, do giá cả rất thấp chỉ ở mức 40.000 đồng/kg. Việc trồng ca cao cầm chừng, không mở rộng diện tích.
Từ năm 2022, giá ca cao có biến chuyển tích cực, lên mức gần 100.000 đồng/kg. Gần đây, ca cao tăng kỷ lục lên 200.000-260.000 đồng/kg.
Vui mừng khi giá ca cao tăng kỷ lục, ông Nguyễn Văn Năm, trú tại xã Ea Na, huyện Krông Ana cho biết, thời điểm trồng gần 1ha ca cao 15 năm trước, đến nay, ông ghi nhận giá ca cao tăng chưa từng có.
"Suốt thời gian dài, giá của ca cao thấp khiến tôi khá nản, định sẽ chặt bỏ để trồng cà phê. Tuy nhiên, do ca cao lại là loại cây không tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nên gia đình tôi vẫn duy trì. Gần đây, giá ca cao bất ngờ tăng vọt, bà con nông dân chúng tôi rất mừng", ông Năm nói.
Theo tính toán, sản lượng ca cao trung bình đạt 1,6 tấn/ha/năm, với mỗi héc ta ca cao sẽ mang lại lợi nhuận cho nông dân 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na, huyện Krông Ana), cho biết, đơn vị có 15 hộ liên kết với diện tích canh tác 36ha.
"Phía hợp tác xã đã thông qua các công ty liên kết để mời chuyên gia tập huấn cho người dân về kỹ thuật canh tác và phương pháp ủ lên men ca cao đạt chất lượng. Giá ca cao lên mức hơn 200.000 đồng/kg giúp nông dân cải thiện đời sống, có chi phí để tái đầu tư và trang trải cuộc sống", ông Sỹ cho hay.
Ngoài việc ca cao hạt tăng giá, cây giống ca cao cũng đang trong tình trạng "cháy hàng". Qua khảo sát, cây ca cao giống thực sinh được bán với giá 10.000 đồng/cây, cây giống đang ghép chồi được bán với giá 18.000 đồng/cây, cao gấp 2-3 lần những năm trước.
Theo tìm hiểu, tỉnh Đắk Lắk đang có đề án phát triển ngành hàng ca cao bền vững; rà soát lại diện tích, vùng trồng và cơ cấu lại giống phù hợp để nâng cao năng suất; hoạt động liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp sẽ được triển khai tối đa.
Doanh nghiệp lo đứt gãy chuỗi cung ứng
Việc giá ca cao tăng là niềm vui lớn của bà con nông dân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng ca cao lại bày tỏ những lo lắng liên quan đến ngành hàng này.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành nêu thực trạng, hiện giá ca cao tăng, nguồn hàng khan hiếm nên nhiều hộ dân găm hàng để chờ giá. Ngoài ra, có rất nhiều thương lái thu gom ca cao hạt khiến có thời điểm phía hợp tác xã không có đủ hàng để cung cấp cho các doanh nghiệp đã ký kết.
Không chỉ vậy, việc thương lái ồ ạt mua ca cao tiềm ẩn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do ca cao được mua mà không kịp sơ chế, lên men đúng quy trình.
Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ nông trại EDE (doanh nghiệp sản xuất cà phê, sô cô la và ca cao thành phẩm), cho biết, so với năm 2022, giá ca cao đã tăng tới 4-5 lần, đây là niềm vui cho nông dân sau nhiều năm liền giá thấp.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp sản xuất, việc giá ca cao hạt tăng giá quá cao và kéo dài khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Hữu lý giải, thị trường tiêu dùng không chấp nhận giá một sản phẩm thành phẩm tăng 4-5 lần theo giá tăng nguyên liệu, mà chỉ chấp nhận ở một mức tăng, thường không vượt quá 15%. Điều này đã, đang khiến các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa nếu không còn lượng hạt ca cao tồn kho với giá thấp sẽ đối diện nguy cơ lỗ lũy kế nặng nề.
"Xu hướng hiện tại, các nhà sản xuất sô cô la đang ở thế sản xuất cầm chừng, thậm chí một số thu nhỏ quy mô sản xuất để giảm thiểu thua lỗ. Số khác buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa nhóm sản phẩm, chuyển dịch sang các sản phẩm với tỷ lệ nguyên liệu từ hạt ca cao thấp hơn để ngăn ngừa thua lỗ, đảm bảo lợi nhuận, duy trì doanh nghiệp.
Nếu giá duy trì như hiện tại, ngành sản xuất sô cô la sẽ đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng", ông Hữu chia sẻ.