Bữa tối thứ tư - Truyện ngắn của Phạm Thị Hải Dương

- Vẫn thứ tư à! - Tôi nói qua đầu dây, cố biểu cảm chút gì đó phản kháng, song thật ra đã ngầm chấp thuận. Nhớ lại từ lúc quen nhau, tôi chưa bao giờ từ chối Kim điều gì. Dù biết khả năng cao không câu được cá mà vẫn lì lợm buông cần là đỉnh cao dại dột, nhưng tôi không kháng cự nổi.
Lúc tôi tới thì Kim đang đi tới đi lui giữa bếp với sân thượng, chăm chỉ như con ong thợ bay chập chờn giữa các cụm hoa. Nói bếp nhưng thật ra là một vuông dã chiến được đặt ngay chỗ ngoặt cầu thang, có mấy thứ hộp gia vị không đầy đủ, đoán là được tha lôi hay san sớt qua lại từ các hũ cố định từ bếp chính dưới trệt. Chén đũa đã được bày ra trên cái bàn gấp đặt ở phần nhô ra hẳn của sân thượng, như cái bao lơn, nhưng lan can sơn khác màu với còn lại. Là dụng ý gì đó hoặc chủ nhà muốn tầng thượng đỡ nhàm chán cũng nên.
Trên bàn chắc còn thiếu thứ này, thứ kia nên Kim mới phải đi lại không ngừng. Nàng di chuyển nhiều đến mức ngoài họa tiết mandala được thêu to trên bụng tạp dề thì không còn gì rõ ràng trước mắt. Cái vòng tròn thẫm đậm đó cứ xẹt qua xẹt lại khiến nó sẵn khó hiểu lại thêm bí ẩn. Chiều đổ xuống càng lúc càng đỏ, Kim nhòa ra như thể tôi đang nhìn nàng qua nước. Chốc chốc Kim lên tiếng, nhờ tôi đỡ tay đĩa đồ ăn hoặc hái giúp nàng vài trái tắc ở ngay cái chậu sum xuê bên phải lan can kia kìa.
Kim có vẻ đặc biệt thích chuyện nội trợ hoặc sự thể hiện trước nay của nàng khiến người khác nghĩ vậy. Có lý do để tôi hoặc ai đó thoạt nhìn sẽ nghĩ Kim ưa nấu nướng. Cách nay khá lâu, chúng tôi quen nhau qua một lớp học nấu ăn. Không phải kiểu chương trình đào tạo dài hạn chuyên nghiệp, khóa đó chỉ có bảy buổi, đủ cho một thực đơn tiệc gồm món khai vị, món súp, hai đến ba món chính và món tráng miệng. Học viên chia làm ba nhóm. Nhóm một gồm các cô cấp dưỡng mẫu giáo, kinh doanh buôn bán hàng ăn nhỏ học để lấy chứng chỉ, nhóm hai học để biết làm bếp ở nhà hàng, còn nhóm ba có những người như tôi và Kim, tình cờ được khóa học. Là quà tặng từ ai đó hoặc chương trình đi kèm khi sử dụng dịch vụ khác. Tham gia không phải vì ham thích, không chịu sức ép kết quả. Bọn tôi đến lớp đơn thuần vì có thời gian.
Mới nhìn, Kim không quá đặc biệt nổi bật về ngoại hình lẫn tính tình. Cô có một công việc văn phòng không mấy đặc sắc nhưng theo Kim là đủ để cô khỏi vùng vằng đòi nhảy việc trong gần mười năm. Kim nói vậy nhưng tiếp xúc nhiều, tôi tin làm chỗ nào cô cũng sẽ gắn bó lâu dài. Giống như cách Kim ở thuê mà lại coi không gian này như nhà mình, dù có giải thích là chủ đi định cư lâu rồi nên cô không gặp những chuyện oái oăm như bị chấp vặt, đòi nhà hay tăng giá giữa chừng. Qua cách cô hỏi tôi loại vòi sen tốt nhất để thay, rồi keo trám vết nứt khó thấy ở chân tường, tôi biết Kim thật sự biết cách chăm chút cuộc sống.
Quay lại chuyện ở sở, tôi đồ rằng không phải Kim giỏi thảo lảo hoặc coi nhẫn nhịn là giải pháp duy nhất để tồn tại. Cô hầu như nắm được quy luật, khéo léo nương theo các dòng chảy mà không xâm phạm nhiều giới hạn. Cơ hồ lẫn lộn hòa nhập nhưng lại tách biệt ở vị trí quan sát nhiều hơn. Kim giữ mình không nhúng mũi vào những tư mật vô bổ và cũng không tỏ ra dị biệt hay trái nết.
Đứng giữa lằn ranh mong manh đó e là khó. Chỉ cần xê xích chút đỉnh thì sẽ dính ngay tới những lụy phiền không đáng. Có lẽ Kim cũng nhiều lần sơ suất rồi mới định tĩnh, như cách nàng tự nhiên gập hai cái khăn lại, lau qua chỗ nước vô ý đổ ra bàn sau khi đưa chén súp qua cho tôi, trong lúc nàng vẫn đương kể một mẩu chuyện nào đó. Tôi thì không kịp nghe, vì đang bận theo các ngón tay huơ qua huơ lại nhịp nhàng, nhẹ nhàng... Nàng ăn một chút rồi lại cắm đũa xuống, lại kể chuyện rồi đứng lên châm thêm nước hoặc lửa. Đêm cứ xuống. Đèn sáng xung quanh chúng tôi. Từ trên cao hơn khoảnh sân này đổ xuống. Từ các con đường bên dưới rọi lên. Kim lại xuống tầng dưới, mang lên đây, đại loại là chút sốt hay tiêu, ớt trái và thay khăn lau tay khác. Tôi thì như con xí ngầu - đứng yên lại, được đổ ra, rồi lại bị xáo lắc bởi các chuyển động. Khi ngước dậy, tôi vẫn không thể nhìn nàng rõ hơn ban chiều là bao, mặc dù Kim đã cởi cái tạp dề có hình mandala sâu hoắm và những sợi tóc của nàng ít nhiều đã được cuộn lại bằng một cái kẹp duyên sau gáy.
- Tại sao luôn là thứ tư hả Kim? - Tôi nhấp chút nước có Jim Beam - loại whiskey thường thường có thể mua được ở bất cứ siêu thị nào mà tôi mang tới chiều nay. Lẫn trong rượu có vị nước ngọt và nước lọc.
Khi tôi vừa cộp cái ly xuống bàn, cô đã kịp nhìn ra hướng khác. Có phải do tôi can đảm và chan chứa quá chăng! Tôi chỉ hỏi nàng một câu rất thường nhưng phản ứng của Kim như thể có ai thọc thò định giải mã sự bí ẩn sâu kín nhất mà nàng ủ giấu. Kim căng giữa chúng tôi sợi dây làm rào ranh. Tôi ngồi bên này và nghe nàng, như thể khán giả nhìn người nghệ sĩ trên sân khấu. Tất cả những điều được thưởng thức là lớp áo của hóa thân rồi trình diễn. Kim không cho phép tôi qua. Nét cung phụng nuông chiều kia sẽ lập tức biến ra thù nghịch. Thứ tôi phải nhận là sự ê chề của một kẻ đang tột đỉnh đột nhiên chịu cảnh thất lộc.
Khán giả ngồi yên đó, nào được phép cơi nới sự hiểu biết bằng cách lẻn ra sau hậu trường, xem mày mũi người mình ái mộ thật sự thế nào sau khi đã trút xuống bệch bạc phấn sáp. Muốn hiểu, chỉ có cách gom nhặt những thứ nửa như giấu giếm, vừa muốn phanh ra. Mấy xấp giấy khen thành tích xuất sắc trong phong trào tình nguyện được xếp lẫn mớ đồ lưu niệm đủ mọi xuất xứ, tên đơn vị ký tặng là một huyện biên giới xa xôi nào đó. Chừng ấy kỷ niệm chương, giấy chứng nhận từ trước đó nữa cho biết người được xướng từng là một đứa trẻ xuất chúng - ít ra trong phạm vi và góc nhìn của làng xã.
Lúc lay lật những rời rạc quá khứ, trăm lần như trăm tôi nghe tiếng lòng mình thúc giục, Kim ơi giùm ơn như mọi chủ nhà khác, lại gần bàn kệ chỗ khách đứng, long lanh hoặc tiếc nuối, giả đò lật giở, nói năm này em được ở nhà dân, ba má nuôi quân còn khỏe, vẫn giữ liên lạc tới giờ. Đoạn này, em và đứa bạn hậu cần cho cả giải, đưa đón vận động viên về tỉnh lẻ, nhiều tới độ an ninh sân bay nhớ cả mặt mũi của mình. Tờ đây là chứng nhận vượt định mức ở công ty cũ, tiền thưởng khao cả đội ăn lẩu còn dư. Miếng nam châm in hình Taj Mahal anh đang cầm là của người yêu cũ tặng. Tủ lạnh kín sticker rồi nên em thảy đại vô cái bình pho tượng cô gái ôm hoa mà em ra tiệm quệt màu lúc rảnh rỗi...
Tôi gom từng đó mảnh rời rồi tự tưởng tượng cuộc đời Kim đã diễn tiến ra sao. Cô có chịu bạo hành ở gia đình, bị bắt nạt trong lớp học. Hay cô là người đi bạo lực kẻ khác. Chắc là Kim từng mơ mộng rồi vụn vỡ, như đa số mọi người trên hành trình trưởng thành. Con đường và đích đến, theo tháng năm ngày một xa với kịch bản ban đầu. Chấp nhận mình tài cao phận thấp, kiếm một chốn dừng, làng nhàng sống bên lề đỉnh dốc. Hay cô là nhân vật cao đạo sở hữu một linh hồn già - nói như mấy phát hiện về tâm linh đang hot trên mạng, đến thế giới này lần nữa để rong chơi hít thở rồi rời đi, không muốn để lại con cái hoặc nhà cửa gì cả.
Sau vài lần đến nhà Kim, những câu hỏi của tôi cứ tứa ra như thế nhưng tuyệt nhiên Kim không đả động. Cô không sợ những hình dung nói trên sẽ khiến mình trở nên méo mó, thành một dị thể trong các câu chuyện mua vui. Cô bận bịu với việc làm bếp, thi thoảng mới nói vài lời để không khí đỡ yên ắng. Ngay cả lúc có men trong người thế này, Kim chỉ quẩn quanh rằng hình mandala trên cái tạp dề cô mang có nghĩa là tròn đầy, viên mãn. Rằng mấy nay độ ẩm thấp quá, chắc vì vậy mà cả năm củ tulip cô trồng xuống chưa đứa nào chịu nứt mầm, chứ không lẽ chỗ cấp giống nhiều lượt mua vậy mà bán hàng kém chất lượng. Cô cười trêu chọc cùng một số tiền nhưng nhà cô thuê rộng rãi hơn nhà tôi mướn. Nếu thích có thể để cả bộ sô pha dưới phòng khách mà vẫn còn chỗ đẩy vào được hai chiếc xe máy.
Cứ thế, tôi có một vai trò duy nhất là giữ cho chỗ đối diện với Kim không trống trải vào bữa tối thứ tư. Nhưng sao lại thứ tư mà không phải đầu tuần hay chủ nhật. Ban đầu nó chỉ là một thắc mắc nhỏ tôi buột miệng hỏi khi Kim vài lần hẹn tôi ăn tối vào giữa tuần. Rồi Kim không giải thích, như mọi thắc mắc khác về cô mà tôi chưa bao giờ được nghe thổ lộ. Cứ vậy mọi thứ lở lớm ra, trở thành câu hỏi thoạt nhìn có vẻ vô dụng nhưng lại là cánh cửa bước vào không gian mênh mông tâm hồn một người.
Tôi đã ôm khư thắc mắc này từ rất lâu về trước, đến nỗi nó đã trở thành huyền tích riêng của mình. Mà các giai thoại thì có bao giờ chính xác hoàn toàn với sự thật được biết đến gần nhất. Vậy là tôi sẽ chẳng bao giờ nhận được giải đáp từ Kim ư? Tôi càng cố lay cái then cài thì nàng càng gia cố nó. Ngày nào nàng còn chưa trả lời, có nghĩa là sự từ khước vẫn còn đó. Không thể tiến thêm được. Tôi thấy mình chảy dài ra như một kẻ khốn đốn buộc phải bỏ lại của nả để đi tránh bão trong đêm. Tôi có cơn bão lòng thôi thúc cứ phải buông cần câm lặng trong sự vô vọng dài đẵng.
Bởi đã thấm rượu và cũng đến lúc nên về, tôi nhổm dậy định nói mấy lời với Kim nhưng chưa kịp thì nàng ra dấu gọi. Lúc này Kim đang đứng trước phần nhô ra hẳn của sân thượng, như cái bao lơn mà tôi miêu tả từ đầu. Từ vị trí này nhìn xuống dưới, như thể chúng tôi đang đứng chồng lên vai những người đi đường. Các ô nhà sụt lồi thấp hơn căn này vẫn sáng sủa. Xa hơn là công viên, loại không gian xanh nho nhỏ mà quận nào cũng có, trồng một ít cây khẳng khiu chưa kịp nhiều lá. Có vài thiết bị thể dục công cộng đã tróc nước sơn nhưng không đáng kể. Xích đu và cầu trượt cho trẻ em, bên dưới đổ cát mịn. Không có nhiều người lớn, trẻ con hay thú cưng ra đó chơi dạo vào lúc này.
- Nếu là cuối tuần, mọi thứ sẽ vượt mức bình thường. Người đông đảo. Bọn trẻ ra hết công viên vì không bận học năng khiếu. Đèn sáng muộn hơn. Anh đến đây với những điều được chọn kỹ hơn chai Jim Beam kia. Rồi anh sẽ nói gì, em đoán được...
- Mình cùng nhau ăn cơm - Kim quay qua nhìn tôi như nhìn một con sứa - vào ngày giữa tuần bình thường. Những bữa hẹn thế này làm cho cuộc sống của anh và em đỡ trùng lặp chán chường. Nhưng em không muốn nó trở nên đặc biệt...
***
Cuộc đời bày biểu cho chúng ta muôn vàn cách chấm hết. Nếu là một tác giả có tài, tôi sẽ viết lại câu chuyện đêm đó. Đại loại như khi nghe Kim rỉ rả nếu chỉ một mình, trừ đi mơ ước mua nhà đã không thể với tới nữa, với mức lương thâm niên, cộng với việc không tiêu pha tùy hứng thì cô cứ việc thong dong qua ngày. Nhưng cô chẳng thể nói không khi ông anh ruột mỗi tháng đều gọi lên. Lúc do ngập lụt trái mùa. Khi là quán tạp hóa âm vốn vì khách nợ nhiều mà chưa thâu được. Thằng con lớn đang tới tháng tiền nhà. Đứa gái út thì suốt ngày bệnh vặt. Lúc nào cũng có vẻ ngập ngừng "đợt này cô mày có dư không, anh vay chút đỉnh". Giữa câu chuyện sẽ nhắc lại dù rất nhiều lần đã nhắc lại "hồi đó má nói để anh học tiếp, nhưng anh thương cô...". Và thế là người bên kia đầu dây cảm thấy như có đá đè lên ngực.
Rằng khi nàng nói em có thể chịu nổi nếu số điện mỗi tháng lên tới bậc ba hay bốn, nhưng mười mấy khoản như thế thì em rất mệt. Khi đó tôi sẽ cười tinh quái, thật ra muốn thử lòng nàng nên tôi giả nghèo. Mấy đứa cháu gọi nàng bằng cô. Tulip của nàng. Bộ sô pha nàng thèm. Kể cả quãng đời dài dẵng tiếp theo, nàng có thể tự tin thêm một vài cái tên vào sổ hộ khẩu. Chớ không phải ngán ngẩm như lúc ấy. Đứng giữa sao trời cao lộng mà sợ hãi thừa ra một người. Nhưng tôi nào có thể cải vận khi có mỗi chai rượu, tôi cũng phải cân đối nếu muốn tuần nào cũng đến cùng nàng.
Ôi những gánh nặng áo cơm trong đời này, dù cho người ta có tỏ ra điềm tĩnh cách mấy, ý nhị thanh cao cách mấy thì nó vẫn thù nghịch quấy nhiễu không ngừng. Thứ duy nhất chúng tôi có thể làm tốt được là bấm bụng biến những đặc biệt trở ra bình thường.