Bộ Y tế đề xuất quy định mới với người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm

Ngoài đề xuất kiểm tra, giám sát người có ảnh hưởng thực hiện quảng cáo thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong quảng cáo,
Giám sát người có ảnh hưởng thực hiện quảng cáo thực phẩm
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018 là quản lý quảng cáo thực phẩm.
Đây là vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt sau những lùm xùm nhiều người nổi tiếng, KOL (người có sức ảnh hưởng) (như Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs quảng cáo cho Kẹo rau củ Kera hay MC Vân Hugo, BTV Quang Minh quảng cáo sữa Hiup...) quảng cáo thực phẩm chức năng, sữa dành cho trẻ em, nội dung quảng cáo thổi phồng tính năng, công dụng.
Theo đó, đối với các bên tham gia quảng cáo, Bộ Y tế đề xuất tăng cường giám sát quảng cáo trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo, người có ảnh hưởng thực hiện quảng cáo thực phẩm. Cùng đó, xây dựng bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo.
Cụ thể, dự thảo đề xuất bổ sung quy định "Không sử dụng ý kiến của người bệnh" (trước đây là cấm dùng "thư cảm ơn của người bệnh") để quảng cáo thực phẩm. Nghiêm cấm quảng cáo thực phẩm gây hiểu lầm, phóng đại công dụng các thực phẩm như thuốc chữa bệnh hoặc điều trị bệnh.
"Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải công khai rõ ràng mối quan hệ tài trợ khi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo", Dự thảo nêu.
Dự thảo đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Trong đó, Bộ này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quảng cáo thực phẩm trên môi trường mạng, trên báo chí; kiểm tra, giám sát dịch vụ quảng cáo thực phẩm xuyên biên giới tại Việt Nam.
Cùng đó, kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo thực phẩm của đơn vị kinh doanh phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng; đồng thời, xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo thực phẩm.
Siết hậu kiểm
Trong dự thảo nghị định, Bộ Y tế đề xuất nhiều điểm mới quy định về hậu kiểm an toàn thực phẩm trên cơ sở tham khảo quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất quy định cụ thể việc xây dựng kế hoạch, nội dung, tần suất, các trường hợp hậu kiểm theo kế hoạch, hậu kiểm đột xuất và vai trò của cơ quan quản lý trong việc triển khai công tác hậu kiểm.
Đồng thời tăng cường vai trò cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước trong việc chủ động lấy mẫu giám sát trên thị trường.
Dự thảo cũng nêu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài chính và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm hoàn thiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia để giải quyết các thủ tục hành chính, quản lý an toàn thực phẩm, thống nhất quản lý về an toàn thực phẩm để phục vụ công tác hậu kiểm, giám sát chất lượng và thu hồi sản phẩm.
Theo Bộ Y tế, điều này nhằm tăng cường việc giám sát, đảm bảo các sản phẩm lưu thông trên thị trường được an toàn và chất lượng.