Nhảy đến nội dung
 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong về chính sách xã hội

Với quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của người dân, sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã là một điểm sáng thế giới về chống đói nghèo, phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong về chính sách an sinh xã hội theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung chiều nay đã có buổi tiếp xã giao bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Bà Ingrid Christensen chúc mừng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trên cương vị mới - Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Bà bày tỏ lời cảm ơn chân thành vì trong suốt thời gian qua, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông đã chỉ đạo sát sao triển khai Khung chương trình Hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026.

4 đề xuất hợp tác từ Giám đốc ILO Việt Nam

Bà Ingrid Christensen điểm lại một số thành quả đạt được của ILO Việt Nam như: Tham vấn xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội; sửa đổi Luật Hợp tác xã sửa đổi; Nghị quyết số 42 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; triển khai chương trình Better Work (việc làm tốt hơn), giúp hàng triệu người lao động được hưởng lợi; góp phần đẩy nhanh tiến trình chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức; nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em…

“Chúng tôi sẽ không thể đạt được những thành quả đó nếu thiếu sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ trưởng”, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ có những chương trình hợp tác mới với Bộ trưởng cũng như Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong giai đoạn mới.

Từ thực tiễn hỗ trợ các tỉnh phía Bắc trong và sau cơn bão Yagi năm ngoái, để có thể giúp người dân nâng cao khả năng chống chịu, vượt qua những cú sốc trong tương lai, Văn phòng ILO Việt Nam đang xây dựng một số nghiên cứu liên quan an sinh xã hội, ưu tiên đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa.

Nữ giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam đề xuất 4 nội dung hợp tác cụ thể với Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Một là thực hiện nghiên cứu về đối phó tình trạng hạn hán, thiếu nước - hậu quả của biến đổi khí hậu; ưu tiên nghiên cứu ảnh hưởng tới cộng đồng DTTS.

Hai là xây dựng và triển khai chương trình an sinh xã hội với người khuyết tật, trong đó có tìm hiểu thực tiễn, nhu cầu của nhóm đồng bào DTTS.

Ba là xây dựng nghiên cứu trực tiếp hơn về việc hỗ trợ đồng bào DTTS ở Việt Nam, trên cơ sở khảo sát năm ngoái ILO Việt Nam đã phối hợp thực hiện với Viện Khoa học công nghệ môi trường của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tập trung về các chương trình an sinh xã hội cho cộng đồng DTTS.

Bốn là chuẩn bị làm nghiên cứu lần đầu tiên rà soát các chính sách an sinh xã hội đã và đang thực hiện cho đối tượng cộng đồng DTTS, xem các chính sách, chương trình hiện có đã được thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao, để thúc đẩy việc làm bền vững.

“Chúng tôi muốn so sánh, đối chiếu các tiêu chuẩn quốc tế, thực tiễn quốc tế tốt nhất với Việt Nam. Nghiên cứu này sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong những mục tiêu trung hạn thực hiện Nghị quyết số 42 về các chính sách xã hội, xây dựng Luật Trợ giúp xã hội, cũng như thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới... Rất mong có sự hợp tác từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo để hướng tới mục tiêu chung là các chính sách an sinh xã hội có thể thực sự hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng DTTS”, bà Ingrid Christensen nói.

Việt Nam đã có những bước đi rất nhanh, rất dài về chính sách xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chân thành cảm ơn ILO thời gian qua đã cùng các địa phương chung tay khắc phục hậu quả cơn bão Yagi chưa từng có trong lịch sử, để kinh tế Việt Nam nhanh chóng hồi phục.

Bộ trưởng tự hào khẳng định: “Nhờ sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của người dân và sự chung tay của các tổ chức quốc tế như ILO, Việt Nam đã có những bước đi rất nhanh, rất dài về chính sách xã hội, an sinh xã hội”. 

Những năm 80 của thế kỷ trước, 60-70% người dân Việt Nam thuộc diện nghèo. Song đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bền vững chỉ còn 1,93%.

Từ một nước đói nghèo, gần đây, Việt Nam đã được nhiều hội nghị lớn của thế giới mời đến trao đổi kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo. Chưa bao giờ các đối tượng yếu thế được chăm lo chu đáo, đầy đủ như hiện nay.

“Nghị quyết số 42 đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ xóa xong khoảng 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, nhưng mục tiêu này có thể hoàn thành trước 31/10/2025, thậm chí sớm hơn. Người dân có nhà tạm, nhà dột nát thường là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đã hoàn thành 70% khối lượng công việc, 18 địa phương hiện đã không còn nhà tạm, nhà dột nát”, Bộ trưởng dẫn chứng thêm.

Cũng theo Bộ trưởng, giai đoạn  trước, tại Việt Nam, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện chủ yếu theo hướng đảm an sinh xã hội cho người nghèo, người yếu thế, người cần trợ giúp xã hội. Nhưng giai đoạn tới, Việt Nam sẽ tập trung phát triển phúc lợi xã hội và chính sách xã hội theo hướng chuyển từ chính sách xã hội “ổn định - đảm bảo” sang chính sách xã hội “ổn định - phát triển”.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ có những đột phá rất căn bản về chính sách xã hội. Chẳng hạn, nhiều đối tượng có thể được miễn phí khám chữa bệnh, tiến tới giai đoạn 2030-2035 miễn phí khám chữa bệnh cho người dân; Có thể có những chính sách riêng cho học sinh miền núi (đáp ứng cả nhu cầu ăn, ở, giải trí...) để miền núi không chỉ tiến kịp miền xuôi mà có bước phát triển mới, bay cao bay xa hơn.

“Chúng tôi đang phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong về chính sách an sinh xã hội theo sáng kiến của Liên Hợp Quốc”, người đứng đầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho hay.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, nhưng độ mở kinh tế tới 200%, chịu sự chi phối từ rất nhiều “ngoại lực”. Đặc biệt, khi Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới, thì giữ ổn định thị trường lao động, việc làm thỏa đáng là thách thức rất lớn.

Cùng với đó, Việt Nam cũng sẽ chịu tác động không nhỏ từ các nguy cơ toàn cầu như xung đột chính trị, biến đổi khí hậu, già hóa dân số...

Bộ trưởng đánh giá cao vai trò tham vấn chính sách của ILO giúp Việt Nam thực thi những nội dung chiến lược dài hơi hơn trên hành trình tiếp tục kiến tạo các chính sách an sinh xã hội thực sự đem lại lợi ích cho người dân và đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tham vọng xây dựng nghị quyết riêng cho đồng bào DTTS

Khẳng định rằng 4 đề xuất hợp tác của Văn phòng ILO Việt Nam đều rất hữu ích, thiết thực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ có những quyết sách rất mạnh mẽ nhằm tạo diện mạo hoàn toàn mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

“Mong ILO và các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tiếp tục đồng hành, chung tay giải quyết những vấn đề có tính chất cốt lõi của chính sách xã hội liên quan đồng bào DTTS và miền núi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chân thành đề xuất.

Chia sẻ tham vọng xây dựng nghị quyết riêng cho đồng bào DTTS, người đứng đầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo “đặt hàng” ILO có những nghiên cứu hỗ trợ căn bản cho đồng bào dân tộc miền núi.

“Vùng đồng bào DTTS, miền núi là nơi khó khăn nhất, khả năng tiếp cận chính sách xã hội yếu nhất. Chăm lo được đối tượng đặc thù này sẽ góp phần giảm bất bình đằng, tạo công bằng, thỏa đáng. Bộ Dân tộc và Tôn giáo cùng Văn phòng ILO Việt Nam có thể ký kết chương trình phối hợp trong vài năm tới, đi vào những góc cạnh thiết thực, hữu ích nhất”, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.

Ghi nhận đề xuất này, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cam kết sẽ đồng hành với Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đồng thời phối hợp với nhiều bên khác cùng tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam.

“An sinh xã hội, chính sách xã hội là vấn đề rất quan trọng. Hỗ trợ được người nghèo, người yếu thế thì nhìn tổng thể, cả đất nước cũng có những bước tiến chung”, bà Ingrid Christensen chia sẻ thêm.

Bà tin tưởng Việt Nam sẽ là tấm gương, là ví dụ điển hình của thế giới về những nỗ lực phát triển, áp dụng lồng ghép các chính sách xã hội, an sinh xã hội trong thực tế. 

Cơ hội từ kinh tế số cho cộng đồng DTTS

Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam lưu ý, kinh tế số, kinh tế nền tảng đem lại nhiều cơ hội việc làm trong thời gian tới, không chỉ cho thanh thiếu niên mà cho cả cộng đồng DTTS. 

“2 tuần tới, tại hội nghị quốc tế lao động (ILC) của ILO, chủ đề này sẽ lần đầu tiên được thảo luận, chú trọng khía cạnh việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng, làm thế nào để cộng đồng DTTS nói riêng và người dân nói chung có thể tận dụng được các cơ hội mới từ kinh tế số, kinh tế nền tảng”, bà Ingrid Christensen chia sẻ.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn