Biệt thự của vợ chồng già ở lưng chừng núi khiến hàng xóm ngỡ ngàng: Thiết kế ‘‘không giống ai’’, diện tích 450m2 đủ cho 3 thế hệ

Không đưa bố mẹ lên phố, người đàn ông Trung Quốc chọn cách trở về quê, xây biệt thự giữa làng để cha mẹ an dưỡng tuổi già.
Nghệ nhân gốm báo hiếu cha mẹ bằng biệt thự 450m2
Từng lớn lên trong căn nhà gỗ đơn sơ tại một ngôi làng xa xôi ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nghệ nhân gốm sứ Vương Lượng Trình (41 tuổi) đã hiện thực hóa mong ước tuổi thơ của mình. Đó là xây dựng một ngôi nhà khang trang ngay tại quê hương để bố mẹ có nơi an dưỡng tuổi già.
Trước đây, gia đình của Vương Lượng Trình từng sinh sống trong một ngôi nhà gỗ cũ kỹ, xuống cấp. Dù nhiều lần được các con đón về thị trấn để tiện chăm sóc, song cha mẹ Vương Lương Trình vẫn luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn.
“Tôi từng muốn đưa bố mẹ đến sống cùng mình ở Cảnh Đức Trấn, nhưng khí hậu quá ẩm, thức ăn không hợp khẩu vị, lại chẳng có ai thân quen khiến họ không thoải mái. Họ chỉ chịu ở đó được 1-2 tháng là lại về quê”, Vương Lượng Trình chia sẻ.
Sau đó, Vương Lượng Trình cùng em trai đã mua cho bố mẹ một ngôi nhà khác ở ngoại ô thành phố. Tuy nhiên, qua thời gian, anh nhận ra bố mẹ vẫn không thực sự cảm thấy hạnh phúc. Họ thường xuyên muốn quay về ngôi nhà cũ, bất chấp khoảng cách xa xôi và sự bất tiện trong sinh hoạt.
“Chúng tôi từng nghĩ đưa bố mẹ đến nơi hiện đại hơn sẽ tốt hơn. Nhưng rồi hiểu ra rằng, điều họ cần không phải tiện nghi, mà là sự gắn bó với mảnh đất họ đã sống cả đời”, anh nói.
4 năm xây dựng căn nhà mơ ước
Chấp thuận với mong ước của cha mẹ, Vương Lượng Trình bắt tay vào kế hoạch xây dựng một căn nhà vững chãi, tiện nghi nhưng vẫn hòa hợp với môi trường nông thôn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công trình mất tới 4 năm để hoàn thiện. Ngôi nhà mới có kết cấu 3 tầng, tổng diện tích hơn 450m2 nằm giữa vùng núi đã yên ắng và khác biệt hoàn toàn so với các căn nhà trong làng.
Để đảm bảo an toàn, nhóm kiến trúc sư đã gợi ý sử dụng vật liệu bê tông bề mặt nhẵn vừa chắc chắn, lại chống động đất tốt. Ban đầu gia đình lo ngại vì sợ vật liệu này trông quá “công nghiệp” và “thiếu thẩm mỹ”. Tuy nhiên, sau khi được giải thích kỹ lưỡng về tính bền vững, họ đã đồng ý lựa chọn.
Căn nhà được thiết kế tối ưu cho người lớn tuổi với kết cấu không quá phức tạp. Tầng 1 là không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp và một phòng ngủ dành cho bố mẹ. Bên cạnh đó, còn có lối ra sân phụ ngay cạnh phòng ngủ để ông bà tiện ra vườn trồng rau, chăm cây và tập thể dục sáng sớm.
Tầng 2 gồm 5 phòng ngủ dành cho Vương Lượng Trình và các anh em khi về thăm nhà. Tường cách âm giúp đảm bảo riêng tư. Đặc biệt, một phòng giường tầng có sức chứa tối đa 4 người được thiết kế riêng cho lũ trẻ trong nhà khi tụ họp đông đủ. Tầng 3 là sân thượng, nơi bố mẹ phơi các loại nông sản như ớt, ngô, củ cải... Để chống thấm hiệu quả, sàn nhà được phủ lớp bê tông bên trên.
Căn nhà của ký ức và đoàn viên
Với Vương Lượng Trình, ngôi nhà này không chỉ là nơi an dưỡng tuổi già của bố mẹ, mà còn là biểu tượng của tình cảm gia đình và lòng biết ơn. “Ngày nhỏ, để đi học cấp 2, tôi phải đi bộ gần 10km đường núi. Dù khó khăn, bố mẹ vẫn luôn ủng hộ tôi theo đuổi nghệ thuật. Nhờ đó tôi mới có ngày hôm nay. Giờ tôi chỉ muốn đền đáp họ theo cách ý nghĩa nhất”, anh xúc động nói.
Ngôi nhà khang trang giờ đây đã trở thành nơi tụ họp của đại gia đình. Trước kia, vì không đủ chỗ, anh em chỉ ghé qua ăn bữa cơm rồi rời đi. Nay họ có thể ở lại nhiều này, cùng chuyện trò, uống trà, cùng bố mẹ ra vườn hái hồng, trồng rau.
“Lũ trẻ rất thích về đây. Chúng bắt cua, học nấu ăn với bà nội và chạy nhảy khắp nơi mà không thấy chán. Bản thân tôi cũng cảm thấy bình yên hơn mỗi lần về quê”, anh chia sẻ.
Không chỉ là tổ ấm của riêng gia đình Vương Lượng Trình, căn nhà này còn tạo ra làn sóng truyền cảm hứng cho những người trẻ cùng quê. Hàng xóm thường xuyên ghé nhà chơi từ sáng tới tối. Với Vương Lượng trình, đó là điều hạnh phúc nhất, khi bố mẹ không còn sống cô đơn, mà luôn có người trò chuyện và bầu bạn.
“Sau khi thấy nhà tôi, nhiều người đã quay về sửa sang nhà cũ cho bố mẹ. Một số khác quyết tâm đi làm để sau này có thể xây nhà dưỡng già ngay tại quê hương, nơi mà họ cảm thấy thoải mái nhất”, Vương Lượng Trình cho biết.
Theo Sohu