Nhảy đến nội dung

Bát nháo 'trị liệu' tâm lý online - Kỳ 2: Ai kiểm soát 'nhà trị liệu' online?

Giữa lúc sức khỏe tinh thần được quan tâm hơn bao giờ hết, các "dịch vụ trị liệu" mọc lên nhan nhản, không phép. Trong khi đó quy định của pháp luật chưa kịp đi cùng thực tế loại hình này.

Dịch vụ trị liệu tâm lý online ngày càng nở rộ trên mạng xã hội. Dưới lớp vỏ "chữa lành", không ít cá nhân tự xưng "nhà tâm lý", "master năng lượng", "coach nội tâm" đưa ra các liệu pháp điều trị thiếu căn cứ khoa học nhưng lại thu phí cao ngất ngưởng, thậm chí can thiệp trực tiếp vào tình trạng tâm thần của người bệnh.

Nguy cơ cao ảnh hưởng sức khỏe

Thạc sĩ Trần Quang Trọng, khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cảnh báo việc bệnh nhân tìm đến các cá nhân tự xưng là nhà trị liệu mà không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề rõ ràng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Về mặt sức khỏe tinh thần, bệnh nhân dễ bị chẩn đoán sai, can thiệp sai phương pháp, không chỉ khiến bệnh kéo dài, trầm trọng thêm mà còn có thể dẫn tới việc bệnh nhân tự hại, thậm chí tự tử nếu mắc các rối loạn như trầm cảm nặng hay rối loạn lo âu.

Về mặt sức khỏe thể chất, các phương pháp như nhịn ăn, thiền sai cách, uống thảo dược không rõ nguồn gốc dễ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nếu người bệnh có bệnh nền.

Không chỉ vậy, nhiều người còn bị lạm dụng tài chính, tinh thần khi bị dẫn dụ vào các khóa học, hội nhóm chữa lành trá hình mang màu sắc mê tín dị đoan hoặc đa cấp tâm linh.

"Thôi miên hồi quy, trị liệu năng lượng... hiện được quảng bá rầm rộ, nhưng cần phân biệt rõ giữa giá trị hỗ trợ tâm lý và phương pháp điều trị y khoa. Thiền có thể giúp giảm căng thẳng nếu hướng dẫn đúng.

Nhưng thôi miên hồi quy hay năng lượng không có đủ bằng chứng khoa học, không thể thay thế các phác đồ điều trị trong tâm thần học và tâm lý trị liệu", ông Trọng chia sẻ.

Điều nguy hiểm là người bệnh bỏ qua "thời điểm vàng" để điều trị chính thống, rơi vào lệ thuộc nghi thức tâm linh cực đoan, thậm chí xuất hiện rối loạn nhận thức, hoang tưởng.

Do đó, khi xuất hiện dấu hiệu bất thường về tâm lý, người bệnh nên tìm đến bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng tại bệnh viện chuyên khoa hoặc phòng khám được cấp phép. Tuyệt đối tránh tự chẩn đoán, tự điều trị qua mạng xã hội hoặc nhờ người không chuyên môn.

Trị liệu tâm lý không phải chỉ "nói chuyện cho nhẹ lòng"

Bác sĩ Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh - trị liệu tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ở Việt Nam chưa có bác sĩ được cấp mã số hành nghề với chức danh "bác sĩ tâm lý". Tất cả những người học ngành tâm lý dù là cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ cũng không thể tự xưng là bác sĩ.

Muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, trước hết phải học đầy đủ chương trình bác sĩ đa khoa, bao gồm nội, ngoại, sản, nhi, tai mũi họng và các chuyên khoa khác. Sau đó bác sĩ mới có thể chọn học sâu một lĩnh vực, ví dụ như chuyên khoa tâm thần.

Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là nhiều người chỉ tốt nghiệp cử nhân ngành tâm lý xã hội học hoặc tâm lý học đường, không qua đào tạo y khoa nhưng lại mặc áo trắng, tự nhận là bác sĩ trị liệu tâm lý, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho cộng đồng.

"Họ chỉ có thể làm tham vấn, hỗ trợ những vấn đề mâu thuẫn xã hội hoặc cảm xúc đời thường. Nhưng khi gặp bệnh lý như trầm cảm nặng, loạn thần, ảo giác thì trị liệu tâm lý không có tác dụng. Phải có bác sĩ chuyên khoa tâm thần kê toa điều trị bằng thuốc", bác sĩ Khuyên chia sẻ.

Đặc biệt hiện nay nhiều người không có chuyên môn y khoa, chỉ nói đạo lý, chia sẻ cá nhân trên mạng, rồi tự xưng là chuyên gia trị liệu, trong khi họ hoàn toàn không đủ kiến thức để đánh giá mức độ bệnh lý.

Nhiều người hiện nay không nhận biết được ranh giới giữa mâu thuẫn tâm lý và bệnh lý tâm thần. Ví dụ: bệnh nhân trầm cảm nặng, mất ngủ kéo dài, hồi hộp, bồn chồn, xuất hiện ảo thanh như nghe thấy tiếng nói thôi thúc tự tử...

Nếu không được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và kê toa thuốc, mà chỉ được "trị liệu nội tâm", thì bệnh nhân có thể tự tử bất cứ lúc nào.

Theo bác sĩ Khuyên, để được hành nghề trị liệu tâm lý, ngoài học ngành tâm lý, người đó phải học tiếp chuyên ngành tâm lý lâm sàng, thực tập trực tiếp tại bệnh viện tâm thần, được giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa, và phải có chứng chỉ hành nghề rõ ràng.

Thiếu hành lang pháp lý, danh xưng "nhà trị liệu" bị lạm dụng

Theo thạc sĩ Nguyễn Trần Phước, chuyên gia tâm lý, thực chất khi một người tốt nghiệp cử nhân tâm lý học, sau đó học tiếp thạc sĩ tâm lý lâm sàng, thì vẫn chưa đủ khả năng để tư vấn hay trị liệu tâm lý.

Muốn làm được điều đó, người đó phải có giám sát chuyên môn - tối thiểu là một tiến sĩ trong lĩnh vực tâm lý học trị liệu.

Tuy nhiên cần hiểu rằng một người hành nghề tư vấn tâm lý độc lập, tức không thuộc một tổ chức hay liên kết với bệnh viện, sẽ khó đảm bảo chất lượng và trách nhiệm nghề nghiệp.

Còn nếu chỉ hoạt động độc lập, không có mạng lưới hỗ trợ chuyên môn, thì rất dễ rơi vào tình trạng tự phát, khó kiểm soát. Thực tế nhiều người mới ra trường, hoặc học ngành khác, hiện nay vẫn có thể tự xưng là "nhà trị liệu tâm lý", đây là điều rất nguy hiểm khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát danh xưng và phạm vi hành nghề.

Hiện tại, Việt Nam chưa có luật riêng về hành nghề tâm lý trị liệu, dẫn đến khoảng trống lớn trong giám sát, kiểm định và bảo vệ người bệnh.

Trong khi chờ hành lang pháp lý đầy đủ, các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo người dân hãy tỉnh táo, bởi tâm lý học là ngành chuyên môn y học, không phải sân chơi tự phong. Mạng xã hội không phải nơi chữa bệnh và chữa lành không bao giờ được đánh đổi bằng niềm tin mù quáng.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn