Ai là vị vua được nhân dân gọi là 'Vua Đầm Đêm'?

Ông là vị vua nổi danh với chiến thuật đánh úp trong đêm, khiến kẻ thù khiếp sợ giữa vùng đất hiểm trở.
1. Ai là vị vua được nhân dân tôn kính gọi là "Vua Đầm Đêm" (Dạ Trạch Vương)?
Triệu Quang Phục (sau này xưng vương lấy hiệu là Triệu Việt Vương) đã trị vì nước Vạn Xuân từ năm 548 đến năm 571.
Triệu Quang Phục được nhân dân gọi là "Vua Đầm Đêm" (Dạ Trạch Vương) vì chiến thuật tác chiến đặc biệt của ông tại căn cứ Dạ Trạch. Ông cho quân sĩ ẩn mình ban ngày, "tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người", và chỉ đến đêm mới "kéo thuyền ra đánh úp các trại giặc, cướp được nhiều lương thực". Lối đánh bí mật, bất ngờ vào ban đêm trong vùng đầm lầy đã tạo nên biệt danh này.
2. Đây là vị vua quê ở Hưng Yên?
Theo các nguồn sử liệu và tư liệu địa phương, Triệu Việt Vương (tên thật là Triệu Quang Phục) được xác nhận là vị vua có quê gốc tại Hưng Yên. Ông là người huyện Chu Diên (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Sự nghiệp của ông, đặc biệt là giai đoạn xưng vương và lãnh đạo kháng chiến, gắn liền với vùng đất Hưng Yên.
Hiện nay, có 10 địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tôn Triệu Việt Vương làm Thành hoàng làng. Tại những di tích này, còn lưu giữ thần tích ghi chép về cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của ông.
3. Vị vua này nổi tiếng với khả năng nào được sử sách ghi chép là "uy hùng sức mạnh"?
Triệu Quang Phục nổi tiếng từ nhỏ với võ nghệ cao cường, được sử sách ghi là người có “uy hùng sức mạnh”. Nhờ đó, ông sớm lập công trong nghĩa quân Lý Bí và được tin tưởng giao chức Tả tướng quân. Tài năng võ thuật là nền tảng giúp ông chỉ huy và chiến đấu hiệu quả, đặc biệt trong lối đánh du kích linh hoạt.
4. Vị vua này đã trị vì đất nước bao nhiêu năm?
Triệu Quang Phục xưng Triệu Việt Vương năm 548, sau khi Lý Nam Đế mất. Ông trị vì đến năm 571, khi bị Lý Phật Tử đánh bại và tự vẫn tại cửa biển Đại Nha. Như vậy, ông giữ ngôi khoảng 23 năm, một thời gian dài trong bối cảnh đất nước nhiều biến động.
5. Tại sao Dạ Trạch được gọi là vùng đất hiểm - nơi vị vua này từng dùng binh để dẹp giặc lớn?
Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về Việt Vương Triệu Quang Phục như sau: “Vua giữ đất hiểm dùng kỳ binh để dẹp giặc lớn”. Theo sử sách, vùng “đất hiểm” đó chính là đầm Dạ Trạch (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). Còn “kỳ binh” chính là kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng tạo của Triệu Quang Phục, bằng chiến thuật đánh lâu dài, đánh du kích đã dẹp tan quân Lương xâm lược.
Trong cuốn sách Tìm hiểu tổ tiên ta đánh giặc, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết: “Dạ Trạch là căn cứ địa kháng chiến đầu tiên của người Việt Nam, không phải trên rừng, hay ở đồng bằng mà lập ngay trên đầm lầy. Triệu Quang Phục cũng là người Việt Nam đầu tiên mà qua ghi chép của sử sách đã áp dụng chiến tranh du kích 'lại vô ảnh, khứ vô hình' tiêu hao sinh lực địch, tiến tới giành chiến thắng hoàn toàn”.