Nhảy đến nội dung
 

13 đặc khu của Việt Nam: Đặc khu Cồn Cỏ pháo đài xanh trên Biển Đông

Nằm ở cửa ngõ phía nam vịnh Bắc bộ, đặc khu Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là đặc khu duy nhất trên vùng biển duyên hải bắc Trung bộ.

Đặc khu Cồn Cỏ được ví như pháo đài trên Biển Đông, mang trong mình tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ và vị trí chiến lược quan trọng. 

Nơi đây không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du lịch và nghiên cứu biển. Hãy cùng khám phá những cơ hội và thách thức mà đặc khu Cồn Cỏ đang đối mặt trong bối cảnh hiện tại.

Đặc khu Cồn Cỏ có tên nôm là đảo Con Cọp (khi người Pháp lập bản đồ, ghi tên đảo là Le Tigre - Con Cọp). Ngư dân vào đảo tránh trú bão gọi là Hòn Mệ. Sau ngày 2.9.1945, Cồn Cỏ thuộc xã Vĩnh Quang của Ủy ban Hành chính Liên khu IV.

Ngày 20.7.1954, Hiệp định Geneve lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đảo Cồn Cỏ thuộc về miền Bắc, nhưng vẫn nằm trong khu phi quân sự, nên phía ta nghiêm chỉnh thực hiện hiệp định, không đưa lực lượng ra giữ đảo.

Đầu năm 1959, sau khi nhận được tin từ Cục 2 (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) "đối phương âm mưu chiếm đảo Cồn Cỏ cuối năm 1959", Bộ Quốc phòng đã cử lực lượng ra trinh sát đảo. Nhiệm vụ này được giao cho Trung đoàn Bảo vệ giới tuyến 270 (nay là Trung đoàn Bộ binh 270, Sư đoàn 341, Quân khu 4).

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 7.8.1959, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Trung đoàn 270 (thiếu úy Dương Đức Thiện làm đại đội trưởng, thiếu úy Hồ Sỹ Hướm là chính trị viên) bí mật lên 16 thuyền gỗ của ngư dân Vĩnh Linh, dưới sự hộ tống của 2 tàu hải quân, vượt biển hành quân ra đóng giữ đảo Cồn Cỏ.

8 giờ sáng 8.8.1959, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 đổ bộ lên đảo, đánh dấu thời điểm Quân đội nhân dân Việt Nam đưa lực lượng đóng giữ đảo Cồn Cỏ.

Cuối năm 1959, thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn (sau là trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) ra đảo Cồn Cỏ nghiên cứu xây dựng hệ thống công sự bằng bê tông cốt thép kiên cố, hầm trú ẩn, các trận địa pháo phòng không, pháo phòng thủ bờ biển…

Từ ngày 8.8.1964, bộ đội đảo Cồn Cỏ bước vào chiến đấu với không quân và hải quân Mỹ. Sau trận đánh ngày 11.3.1965 (bắn rơi 4 máy bay Mỹ), đảo được trang bị vũ khí hiện đại do Liên Xô viện trợ (pháo phòng không 14,5 mm loại 2 nòng; pháo 85 mm) và đưa vào chiến đấu, đạt hiệu suất cao: Trong 2 ngày 3 - 4.4.1965, trung đội pháo 14,5 mm của đảo đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ…

Trong suốt 1.440 ngày đêm, bộ đội Cồn Cỏ đã chiến đấu 841 trận, bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm, cháy 17 tàu chiến. Đảo được 2 lần tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, xứng đáng được Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 lần gửi thư khen...

Ra đặc khu Cồn Cỏ, mọi người đều đến thắp hương Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tại đây ghi tên 104 liệt sĩ đã ngã xuống trong khi bảo vệ Cồn Cỏ: 30 bộ đôi trực tiếp chiến đấu, 74 bộ đội, dân quân phục vụ chiến đấu.

Kiên trì xin lập huyện, nay thành đặc khu

Tháng 5.1998, tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ thành lập huyện đảo Cồn Cỏ và được trả lời: "Trước mắt cần triển khai đưa dân ra đảo, tổ chức trồng rừng, đánh bắt hải sản, khi đủ điều kiện sẽ xem xét thành lập huyện đảo Cồn Cỏ".

Tháng 7.2001, Chính phủ đồng ý xây dựng Cồn Cỏ thành "Đảo Thanh niên" và chỉ đạo: "Trước mắt cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, sớm đưa thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp, mở đường cho quá trình dân sự hóa đảo Cồn Cỏ".

Tháng 1.2002, tỉnh Quảng Trị thành lập "Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng đảo Cồn Cỏ" gồm 43 người. Ngày 9.3.2002, Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm dự lễ động thổ xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp tại Cồn Cỏ.

Tháng 11.2003, tỉnh Quảng Trị lại đề nghị Chính phủ thành lập huyện đảo Cồn Cỏ. Gần 1 năm sau (1.10.2004), đề xuất này mới được Chính phủ đồng ý.

Ngày 18.4.2005, tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố Nghị định 174/2004/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ là ông Lê Quang Lanh.

Ngay sau khi được thành lập, huyện Cồn Cỏ đã tập trung vào công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Không chỉ làm việc với các cơ quan trong nước, huyện còn mời hẳn đoàn chuyên gia Cuba sang làm việc, khảo sát (tháng 7.2006, Viện Quy hoạch Cuba hoàn thành báo cáo nghiên cứu tổng quát về quy hoạch du lịch huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2015, có tính đến 2020).

Đến nay, đặc khu Cồn Cỏ là một trong những đặc khu được đầu tư nhiều nhất. 

Mặc dù số người sinh sống trên đảo, chủ yếu là lực lượng vũ trang (ban chỉ huy quân sự, đồn biên phòng, trạm ra đa 540 hải quân, công an), công chức, viên chức huyện và cán bộ, công nhân bảo đảm hàng hải, khí tượng hải văn, xây dựng… nhưng các công trình phục vụ dân sinh rất kiên cố, với suất đầu tư lớn.

Đơn cử như Trường liên cấp mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba (khởi công xây dựng tháng 6.2014) với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng, nhưng học sinh rất ít: 6 cháu, năm 2011 và năm học 2024 - 2025 vừa qua, tổng số học sinh chỉ 11 cháu.

Khát vọng xây dựng đặc khu Cồn Cỏ: Tiềm năng du lịch trên đảo quốc phòng Việt Nam

Là đơn vị hành chính có rất nhiều yếu tố quốc phòng an ninh, nhưng lãnh đạo huyện (nay là đặc khu) Cồn Cỏ rất mong muốn phát triển du lịch.

Các động thái thúc đẩy phát triển du lịch liên tục được đưa ra, như rà soát bổ sung hoàn thiện loại quy hoạch, đề án, dự án về phát triển du lịch đã được phê duyệt; đẩy mạnh quảng bá, thu hút, kêu gọi, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, dịch vụ; tiếp tục khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, các hộ dân trên địa bàn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch (như nhà nghỉ, nhà hàng, phương tiện di chuyển); tham mưu cho tỉnh đưa Cảng du lịch Cửa Việt vào khai thác thử nghiệm.

Ngoài ra, để tăng sức hút du khách đến đặc khu Cồn Cỏ, chính quyền đã triển khai một số sản phẩm du lịch mới như ngắm san hô từ tàu đáy kính, đốt lửa trại - giao lưu giữa du khách với quân dân trên đảo; quảng bá trực quan, sinh động, ứng dụng mã QR cho du khách tham quan đảo...

Mọi sự cố gắng đã ít nhiều đạt kết quả: Năm 2024, lượng khách du lịch đến Cồn Cỏ đạt 10.384 khách, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 đạt 8.681 khách), tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 13,5 tỉ đồng.

Năm 2025, Cồn Cỏ phấn đấu thu hút khoảng 11.000 - 12.000 lượt du khách; doanh thu từ du lịch, dịch vụ dự kiến đạt khoảng 15 tỷ đồng. Đến hết Quý 1/2025, lượng du khách đến đặc khu Cồn Cỏ đạt 3.523 người (chiếm 32,1%), doanh thu dịch vụ, du lịch ước đạt trên 5,3 tỷ đồng.  

Vấn đề mà không chỉ lãnh đạo đặc khu mà những người dân Cồn Cỏ nói riêng, tỉnh Quảng Trị đang chờ đợi là: Trung ương sẽ có những chính sách ưu đãi gì cho các đặc khu mới thành lập nói chung và đặc khu Cồn Cỏ nói riêng, để vừa giữ vững quốc phòng trên đảo, vừa yên tâm đầu tư - thu hút - phát triển du lịch, dịch vụ?.

Một số hình ảnh về đặc khu Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn