Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc thành Di sản văn hóa Thế giới

(Dân trí) - UNESCO công nhận Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47, ghi nhận giá trị nổi bật toàn cầu của Phật giáo Trúc Lâm.
Ngày 12/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng, chính thức được ghi danh là Di sản văn hóa Thế giới.
Đây là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và là di sản liên tỉnh thứ 2, sau vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Đồng thời, đây cũng là di sản dạng chuỗi đầu tiên của Việt Nam, phản ánh đầy đủ sự gắn kết giữa tự nhiên, văn hóa và tôn giáo xuyên suốt nhiều thế kỷ.
Trung tâm tư tưởng của quần thể là Phật giáo Trúc Lâm – dòng thiền mang bản sắc Việt được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII. Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho hệ thống tư tưởng khoan dung, hòa hiếu, kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa, đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Thông qua hệ thống đền tháp, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích trải dài từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc, di sản phản ánh các giai đoạn phát triển quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm – từ thành lập, thể chế hóa đến phục hưng và lan tỏa.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Trưởng Ban điều hành xây dựng hồ sơ di sản, cho biết, hồ sơ được Quảng Ninh chủ trì thực hiện công phu, bài bản, với sự tham gia chặt chẽ của các chuyên gia và địa phương liên quan. Việc được ghi danh là niềm tự hào lớn, là kết quả của hơn 10 năm nỗ lực.
Theo bà Hạnh, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam – đánh giá việc ghi danh là dấu mốc quan trọng, không chỉ với Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng mà còn là niềm vui chung của cả nước. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với tư tưởng nhân văn và hòa bình của Phật giáo Trúc Lâm, cũng như những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản.
Tại Kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, để có được thành công này là kết quả của quá trình dài đầu tư cho bảo tồn, nhận diện giá trị, lập hồ sơ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Ông cũng thông tin, ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trong đó nội luật hóa các nguyên tắc phát triển bền vững theo Công ước Di sản Thế giới và các quy định về quản lý, đánh giá tác động di sản, nhằm phục vụ tốt hơn cộng đồng địa phương.
PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa – Trưởng nhóm chuyên gia Việt Nam tham gia Ủy ban Di sản Thế giới, chia sẻ, việc ghi danh là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự chủ động, quyết tâm cao của các địa phương và các cơ quan trung ương.
Hồ sơ được xây dựng từ năm 2013, vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có cả khuyến nghị “trả lại hồ sơ” ngay trước kỳ họp, nhưng với sự phối hợp, vận động hiệu quả, hồ sơ đã được thông qua với sự nhất trí tuyệt đối.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư tới Tổng Giám đốc UNESCO và 20 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, đề nghị ủng hộ hồ sơ. Động thái này thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, được các nước thành viên đánh giá cao.
Thành công của hồ sơ cũng có đóng góp quan trọng từ Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại UNESCO, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, các chuyên gia của ICOMOS và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Theo các chuyên gia, việc Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận sẽ tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy du lịch văn hóa và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc gìn giữ di sản. Đây cũng là minh chứng cho những đóng góp tích cực của Việt Nam với tư cách thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023–2027, trong việc thực thi Công ước Di sản và bảo vệ di sản không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực.